Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > CẢNH BÁO SÂU KEO MÙA THU GÂY HẠI TRÊN CÂY NGÔ VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

CẢNH BÁO SÂU KEO MÙA THU GÂY HẠI TRÊN CÂY NGÔ VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

29/07/2020

Hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, đất đai đủ độ ẩm người dân đã tiến hành gieo trồng các loại cây trồng vụ mùa như ngô, sắn, đậu đỗ các loại … Nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình canh tác sản xuất Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cảnh báo các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng đặc biệt là sâu keo mùa thu trên cây ngô

   Sâu keo mùa thu là loài sâu hại đa thực, có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho phòng, chống. Chúng có thể gây hại trên 300 loại cây trồng, nhưng gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: ngô, lúa, kê, cây mía... Chúng cắn phá làm lá bị thủng, lỗ trỗ, xơ xác hoặc chui vào nõn, cắn nát chồi non phá hủy khả phát triển của cây. Ngoài ra sâu có thể đục vào phần hạt làm giảm năng suất và chất lượng ngô nhất là ngô nếp (Theo Cục Bảo vệ thực vật năm 2019). Với kế hoạch sản xuất ngô trong vụ mùa 2020 trên địa bàn huyện Chư Sê là 2.480ha, hiện nay đã gieo trồng được khoảng 1.100ha. Để ngăn chặn sự gây hại của sâu keo mùa thu kịp thời hạn chế lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô (Theo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai năm 2019) như sau:
- Biện pháp canh tác: Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô đề hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Luân canh ngô — lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phân diệt nhộng trong đất. Chọn các giống ngô kháng sâu bệnh như: ngô lai biến đổi Gen NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT, DK6919S, DK9955S, CP501S...ngô nếp NH88, MX10…
- Biện pháp thủ công: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đồ vào nõn ngô diệt sâu non.
- Biện pháp sinh học: Hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu. Sử dụng chế phẩm nắm xanh, nắm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.
- Biện pháp bẫy, bả: Bẫy bả, bẫy đèn bằng cách sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành. Hoặc bẫy cây trồng theo cách trên cánh đồng trồng ngô, cần trồng xen một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.
 - Biện pháp hóa học: Hiện nay, trên thị trường chưa có thuốc BVTV đặc trị sâu keo mùa thu:  
- Trước hết khi sử dụng thuốc BVTV phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).  Khi sâu xuất hiện với mật độ 3 - 6 con/m2 có thể sử dụng một trong những thuốc BVTV có hoạt chất như: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb và Lufenuron như hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.  Cụ thể là các laoij thuốc: Radiant 60 SC, Angun 50WP, Vitago 40 WP, Karate 2,5 EC, Voliam Targo 63SC để phun kịp thời.                 
     Giai đoạn cây có 4 đến 6 lá thì phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 10-12 ngày, lượng nước khoảng 400-600 lít/ha và phun theo hàng để nõn và nách lá ướt đều 2 mặt.
 Để chủ động phòng, chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô trong vụ mùa 2020 một cách có hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức phòng, chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành; thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền tác hại của các loại sâu bệnh hại trên cây ngô trong đó có sâu keo mùa thu và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn biết để chủ động có giải pháp phòng trừ, đem lại hiệu quả cao. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, quan trọng nhất là người nông dân phải làm tốt công tác kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để sớm phát hiện và khống chế kịp thời diện tích nhiễm./.

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai                                                                    
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.