Thông tin tuyên truyền > Phổ biến hướng dẫn thực hiện pháp luật > Nghi ngờ trẻ bị xâm hại, bạo lực - hãy gọi 111.

Nghi ngờ trẻ bị xâm hại, bạo lực - hãy gọi 111.

22/07/2020

Bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi mang tính chất tình dục mà trẻ bị người khác ép buộc. Đó là quá trình một người trưởng thành hoặc trẻ lớn tuổi hơn lợi dụng sự phụ thuộc của trẻ nhỏ để thực hiện các hành vi mà trẻ chưa hiểu được ý nghĩa của nó và chưa sẵn sàng. Trẻ đồng ý do thiếu hiểu biết và khi đó, trẻ đã bị xâm hại. Các hành vi xâm hại có thể xâm hại dưới dạng thể chất hoặc tinh thần.
           Nếu cha mẹ hoặc người lớn cảm thấy lo lắng có điều gì đó đã xảy ra với trẻ, ví dụ nghi ngờ trẻ là nạn nhân của bạo lực , hoặc trong trường hợp xấu nhất, bị xâm hại; cảm giác lo lắng có thể lấn át tất cả. Chúng ta cần phải biết và tránh HAI SAI LẦM phổ biến sau đây:
           Một vấn đề chung với người lớn khi lo lắng hoặc sợ hãi là che đậy sự việc và quyết định phản ứng thái quá, mặc dù sự việc có thể không tệ như vậy. Nếu chúng ta phản ứng theo cách này, trẻ có thể cảm thấy vấn đề đó không nên nói ra. Khi đó, nếu trẻ có những câu chuyện về bạo lực, bắt nạt hay những vấn đề khác, chúng có thể không chia sẻ với ai mà sẽ giữ bí mật cho riêng mình.

           Một sai lầm khác là  chúng ta thường vào vai “Cảnh sát”. Chúng ta thẩm vấn đứa trẻ hoặc người khác, chúng ta đặt ra những câu hỏi có tính dẫn dắt. Chúng ta đọc nhật kí, tin nhắn của trẻ và lục lọi máy tính của chúng. Khi hành động theo cách này, chúng ta báo hiệu cho trẻ biết rằng có điều gì thực sự tồi tệ đã xảy ra và điều này khiến trẻ thực sự sợ hãi và không muốn nói thêm bất cứ điều gì. Các câu hỏi thẩm vấn của chúng ta cũng có thể làm phức tạp hóa công việc của các cơ quan điều tra như cảnh sát hoặc các cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội. 
 Vậy có giải pháp nào để giúp chúng ta giải tỏa sự lo lắng, giải quyết được vấn đề cùng trẻ hay không? Hãy nhớ những cách làm sau:
       Trước tiên, hãy tự làm rõ điều khiến chúng ta lo lắng. Đó có phải là điều chúng ta từng nhìn thấy, một tin nhắn chúng ta từng đọc, hay có liên quan đến một hành vi nhất định nào không? Khi đã nắm rõ, ta có thể dùng chúng để trò chuyện với các con mà không cần phải “hỏi cung” trẻ. Chúng ta có thể tránh được việc ám chỉ hành vi xâm hại hoặc tấn công tình dục.
        Sau khi nhận được những câu trả lời có thể làm chúng ta yên tâm, nhưng cũng có thể làm chúng ta lo lắng hơn. Khi đó, chúng ta phải quyết định xem có cần tìm hiểu vấn đề sâu hơn hay không, bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia chẳng hạn. Hay chúng ta sẽ không có bất kì phản ứng gì. Đừng gây áp lực cho trẻ để tìm nguyên nhân, thay vào đó hãy giải thích: “Mẹ thực sự lo lắng và muốn con hiểu rằng nếu có điều gì đó khiến con buồn hay cảm thấy không thoải mái, con có thể nói với mẹ bất cứ khi nào. Con cũng có thể nói với người khác nếu con muốn”. Những người lớn khác có thể là người mà trẻ tin tưởng như ông bà, thầy cô giáo hoặc một hotline tư vẫn tâm lý cho trẻ… Tóm lại, hãy cho trẻ biết nếu lời nói hoặc hành động của ai đó làm trẻ tổn thương, dù là về thể chất hay tinh thần, trẻ có thể nói với người lớn để được sự giúp đỡ. Hãy giúp trẻ hiểu rằng trẻ không có lỗi và không bao giờ phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Cha mẹ và trẻ cần ghi nhớ số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – đây là tổng đài tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho trẻ em; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.