Thông tin tuyên truyền > Phổ biến hướng dẫn thực hiện pháp luật > Toàn dân phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và chính sách hỗ trợ cho

Toàn dân phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và chính sách hỗ trợ cho

22/05/2020

  • Các phương pháp phòng chống dịch Covid- 19:
- Bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng;
 - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.
- Tiếp tục tạm dừng dịch vụ karaoke và vũ trường cho đến khi có thông báo mới.
Thực hiện nới lỏng các hạn chế:
- Dỡ bỏ dãn cách xã hội và giới hạn chỗ ngồi trên phương tiện giao thông công cộng;
- Cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ yêu cầu thực hiện các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn;
- Đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, giải khát chỉ yêu cầu sát khuẩn tay;
- Các cơ sở khám chữa bệnh trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân;
- Không bắt buộc giãn cách trong trường học, lớp học, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học.
 Theo nội dung Công văn số 966/UBND-KGVX ngày 08/5/2020 của UBND tỉnh.
  • Thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế với tất cả các trường hợp người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và các chuyên gia trên địa bàn tỉnh với những hình thức phù hợp như cách ly tại cơ quan đại diện, hoặc nơi cư trú của người đó trong vòng 14 ngày.
- Người nhập cảnh vào địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế về việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân như luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; theo dõi sức khỏe hàng ngày, hạn chế ra khỏi nơi cách ly và hạn chế tiếp xúc gần với người xung quanh; người nhập cảnh vào địa bàn tỉnh phải bắt buộc lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2: lần thứ nhất ngày sau khi nhập cảnh (tại nơi cở, nơi lưu trú, nơi cách ly), lần thứ hai trước thời hạn cách ly từ 1-2 ngày theo nội dung Công văn số 30/CV-BCĐ ngày 08/5/2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh.
  • Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như sau:
- Nguyên tắc:
+ Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
+ Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
+ Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
+ Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này.
 Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 50% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc:
  • 70% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên.
  • 50% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên).
  • 30% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.
+ Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
+ Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
 
+ Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
+ Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
- Các chính sách khác:
+ Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
+ Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
 
 



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.