Tin tức > Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

17/09/2020

Kể từ sự kiện ra đời của chi bộ Cộng sản đầu tiên tại thị xã Pleiku (01/10/1945) và nhanh chóng tiến tới thành lập tỉnh Đảng bộ mang tên Đảng bộ Tây Sơn (10/12/1945) đến nay, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã trải qua 16 kỳ đại hội (tính cả kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên vào tháng 02/1949). Trong chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang đó, đã xuất hiện biết bao tấm gương sáng chói về tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, trung thành vô hạn đối với Đảng, với Bác Hồ của đồng bào, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.
Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai xin trân trọng giới thiệu tóm tắt các kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.


Kỳ I:
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI LẦN ĐẦU TIÊN[1]
NGÀY 21-02-1949
                                                         
75 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã trải qua 16 kỳ Đại hội[2] với các mốc lịch sử, gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, ngày 01 - 10 -  1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập. Trước yêu cầu cấp thiết cần phải có tổ chức Đảng lãnh đạo phong trào và xây dựng chính quyền trong toàn tỉnh, ngày 10 - 12 - 1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn.
Việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày 10 - 12 - 1945 đánh dấu mốc quan trọng trong bước phát triển mới của phong trào cách mạng Gia Lai. Từ đây, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đây là nhân tố quyết định để phát huy mạnh mẽ phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc ở địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Năm 1945 sau khi được thành lập, với vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng bộ tập trung lãnh đạo củng cố chính quyền cách mạng các cấp, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, vận động nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Tháng 6 - 1946, trước sự tấn công ồ ạt của quân Pháp, Ủy ban Hành chính, Tỉnh ủy rút về đồng bằng, trong hoàn cảnh chính quyền, các tổ chức quần chúng ở cơ sở chưa được thành lập tại nhiều địa phương. Nhiều vị trí xung yếu ở vùng tạm chiếm chưa bố trí được cơ sở bí mật. Do đó, những năm đầu của cuộc kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ trước mắt là phải sớm trở lại địa bàn, xây dựng cơ sở, vận động, tổ chức Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong điều kiện rất khó khăn, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉnh đốn, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo của tỉnh phù hợp với tình hình mới. Ngoài các ủy viên cũ như Phan Thêm, Phạm Thuần, Nguyễn Xuân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh còn được bổ sung thêm một số Tỉnh ủy viên mới như Phan Bá, Trần Thị Nguyên.
Tỉnh ủy phân công các đồng chí Phan Thêm (Bí thư Tỉnh ủy), Phan Bá thường trực tại cơ quan (đóng ở Vĩnh Thạnh, Bình Khê, Bình Định); các đồng chí Phạm Thuần, Nguyễn Xuân, Trần Thị Nguyên lên Xóm Ké (Thượng Bình) trực tiếp chỉ đạo phong trào huyện An Khê.
Đến ngày toàn quốc kháng chiến (19 - 12 - 1946), Gia Lai đã khôi phục cơ sở vùng bàn đạp Nam- Bắc An Khê và vùng Cheo Reo, bước đầu phát triển phong trào du kích chiến tranh, làm hạn chế một phần âm mưu củng cố vùng chiếm đóng của địch.
Chiếm được Gia Lai, Kon Tum, thực dân Pháp hoàn tất âm mưu xâm chiếm lại Tây Nguyên. Gia Lai cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên, thực dân Pháp tái lập bộ máy cai trị cũ.
Đầu năm 1947, trên chiến trường Gia Lai, lực lượng vũ trang được tổ chức lại để đẩy mạnh phong trào kháng chiến địa phương. Tỉnh ủy triệu tập tất cả cán bộ, trước đây phân công công tác ở các đơn vị, trở lại công tác.
Tháng 02 - 1947, Ban chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch tấn công trên toàn mặt trận An Khê. Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng bộ huyện An Khê phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với bộ đội tiến công địch bằng nhiều hình thức. Đêm 14 - 3 - 1947, sau hơn một tháng uy hiếp địch, bộ đội nổ súng đánh đồn Tú Thủy. Phối hợp với bộ đội chủ lực, hơn 300 quần chúng các làng Tú Thủy, Cửu Đạo, An Xuân, Tân Lập... đã nổi dậy.
Từ tháng 5 - 1947, các cơ quan tỉnh được kiện toàn, tăng thêm thành phần cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền, thành lập thêm các ty chuyên môn như thông tin, kinh tế, học vụ và tỉnh đội, giúp Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tổ chức giáo dục nhân dân kháng chiến và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ và bộ đội.
Để tiện việc chỉ đạo chiến trường, tháng 11 - 1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh và các cơ quan chuyên môn chuyển lên Đê Groi (Kơnchơngbơng), một căn cứ vừa được xây dựng liên hoàn với khu căn cứ Gia Hội.
Tháng 02 - 1948, địch phát hiện cơ quan tỉnh, chúng mở cuộc càn quét với quy mô trung đoàn đánh vào căn cứ. Sau suốt 20 ngày càn quét, do lực lượng giữa ta và địch chênh lệch nên cuối cùng Pháp chiếm được Đê Groi, nhưng không gây thiệt hại cho cơ quan tỉnh. Chúng cho đốt sạch các làng ở Đê Groi và đóng đồn tại đây. Trước tình hình đó, cơ quan tỉnh lại rút về đóng ở Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê (Bình Định).
Tháng 01 - 1948, Tỉnh ủy Gia Lai củng cố lại bộ máy tổ chức, kiện toàn Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh và các cơ quan trực thuộc như Ty Công an, kinh tế, học vụ để thực hiện chức năng chuyên môn.
Giữa năm 1948, đồng chí Phan Thêm chuyển về công tác ở Liên khu ủy khu V, đồng chí Phan Bá (Võ Đông Giang) làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 01 - 1948, Hội nghị Trung ương mở rộng đặt mạnh công tác củng cố chi bộ, chấn chỉnh bộ máy tổ chức, chỉ đạo bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp, chuẩn bị triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc. Thực hiện chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo Đảng bộ huyện An Khê và các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh tiến hành đại hội, bầu cử cấp ủy mới, bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Ngày 21 - 02 - 1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần đầu tiên[3] được tổ chức tại Gò Cầy, thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê (Bình Định) có 50 đại biểu, thay mặt cho các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ[4].
Đại hội tổng kết tình hình khôi phục cơ sở, tổ chức nhân dân kháng chiến, xây dựng Đảng. Đại hội đã nhận định: Trong 3 năm (1946 - 1949), Đảng bộ Gia Lai đã phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhanh chóng khôi phục và phát triển cơ sở, xây dựng chính quyền và tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, xây dựng các chiến khu Xóm Ké, Gia Hội, tổ chức chiến tranh du kích không chỉ ở vùng người Kinh, vùng giáp ranh, mà cả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở sâu vào vùng đồng bào Thiên Chúa giáo, vùng công nhân của các đồn điền. Phối hợp chặt chẽ với các hoạt động quân sự của bộ đội chủ lực Liên khu V, Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân đẩy phong trào địa phương tiến lên. Đảng bộ có bước trưởng thành, đội ngũ đảng viên phát triển qua thử thách tôi luyện, bám sát dân, sát cơ sở. Đảng bộ đã thực sự lãnh đạo, quản lý mọi mặt công tác kháng chiến trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, Đảng bộ còn những mặt yếu: Lãnh đạo công tác kinh tế, văn hóa, bồi dưỡng sức dân, bồi dưỡng tào đạo đội ngũ cán bộ địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phát triển đảng viên người dân tộc còn yếu, nhiều vùng phong trào kháng chiến mạnh nhưng chưa có đảng viên người địa phương để lãnh đạo thôn, xã.
Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt là: Củng cố căn cứ bàn đạp, củng cố chính quyền và các tổ chức quần chúng trong  “Hội đánh Tây” (Mặt trận Liên - Việt), phát triển cơ sở vào các vùng xung yếu; xây dựng bộ đội tập trung, dân quân du kích, xây dựng làng kháng chiến, đẩy mạnh các hình thức đấu tranh chống âm mưu bình định, chiêu an, củng cố vùng chiếm đóng của địch; tăng cường lãnh đạo công tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân, phát triển đảng viên, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ địa phương, xây dựng chi bộ tự động công tác, coi trọng việc giáo dục quan điểm quần chúng, chính sách dân tộc, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng tinh thần kiên trì vận động cách mạng, bám dân, bám cơ sở lãnh đạo phong trào.
Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Xuân làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu V lần thứ nhất. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 4 đồng chí: Nguyễn Xuân, Dương Thành Đạt, Phan Bá, Phạm Kiêm (một Tỉnh ủy viên ở quân sự); đồng chí Nguyễn Xuân được bầu làm Bí thư. Khi đồng chí Nguyễn Xuân đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  II của Đảng tại Việt Bắc, đồng chí Phan Bá thay làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Gia Lai đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong công cuộc lãnh đạo kháng chiến, ghi cột mốc lịch sử quan trọng sau hơn 3 năm Đảng bộ lãnh đạo xây dựng phong trào kháng chiến địa phương. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Sau Đại hội, các mặt hoạt động đều được chấn chỉnh và phát triển, công tác gây cơ sở địch hậu được tiến hành tích cực, phong trào du kích chiến tranh phát triển, vùng căn cứ bàn đạp Nam Bắc An Khê được củng cố thêm một bước. Các hoạt động quân sự được đẩy mạnh, ta bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của địch vào vùng căn cứ./.
 
[1] Năm 1976, Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum xác định Đại hội tháng 2-1949 là Đại hội đầu tiên, Đại hội tháng 12-1959 là Đại hội lần thứ nhất của tỉnh Gia Lai và Đại hội hai tỉnh hợp nhất là lần thứ 6 (1976) để thống nhất các kỳ Đại hội của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sau khi sáp nhập.
[2] Từ khi thành lập đến nay Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã trải qua 16 kỳ Đại hội, trong đó tính cả kỳ Đại hội đầu tiên năm 1949. Kỳ Đại hội lần thứ nhất được tính từ Đại hội tháng 12 - 1959 đến Đại hội lần thứ XV (2015-2020).
 
[3] Năm 1976, Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum xác định Đại hội tháng 2-1949 là Đại hội đầu tiên, Đại hội tháng 12-1959 là Đại hội lần thứ nhất của tỉnh Gia Lai và Đại hội hai tỉnh hợp nhất là lần thứ 6 (1976) để thống nhất các kỳ Đại hội của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sau khi sáp nhập.
[4]. Đại hội họp trong hai ngày nhưng vì bị địch càn quét, phải di chuyển vào Hầm Hô (cũng thuộc xã Bình Phú), khi địch rút mới trở lại họp nên kéo dài 4 ngày.


                                                                                                                                                         (còn nữa)
 
Quỳnh Ngân

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.