Tin tức > Kinh tế - Văn hóa - Xã hội > Thủ tướng: Xử lý nghiêm người không thực hiện cách ly toàn xã hội

Thủ tướng: Xử lý nghiêm người không thực hiện cách ly toàn xã hội

13/04/2020

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 vào chiều ngày 09/4, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội, yêu cầu lực lượng công an và các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19.
 
Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành



Thủ tướng cho biết hiện gần 4 tỉ người ở 90 quốc gia, gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng chống COVID-19. Nhiều nước thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, cả xử lý hình sự đối với người ra đường không đúng quy định. Có thể thấy Việt Nam không phải nước duy nhất thực hiện cách ly toàn xã hội nhưng là nước thực hiện sớm.


Chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhiều người dân ở nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Tình trạng lây lan một số ca ngoài xã hội đang xuất hiện ở nước ta, ở cả phía Nam và phía Bắc. Cho nên, dù chúng ta đã làm tốt với kết quả đáng mừng, nhưng rõ ràng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn rất lớn, yêu cầu không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Do đó phải chủ động thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn. Tôi yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, phải đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16. Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm. Chúng ta tiếp tục biểu dương những người dân, đơn vị, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị, phê phán những cá nhân, tổ chức vi phạm".


Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh việc thực hiện cách ly xã hội, có những biện pháp mạnh mẽ theo hướng không quá “tả” trong thực hiện, không quá “hữu” dẫn đến buông xuôi. Lực lượng công an xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhưng đồng thời vẫn đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt.


Về thời điểm dừng cách ly xã hội, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế nhận định sát, đúng tình hình để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định sau ngày 15/4.


Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiên định biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Trong từng thời điểm có thể thay đổi chiến thuật nhưng kiên định về chiến lược. Điều quan trọng mang lại hiệu quả chống dịch vừa qua đó là áp dụng các biện pháp đúng thời điểm, tăng dần mức độ.



Bên cạnh đó cần tiếp tục siết chặt các nguồn lây lan từ bên ngoài vào Việt Nam, tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp chở hàng và công tác bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Thực hiện cách ly đối với tất cả các đối tượng nhập cảnh.



Yêu cầu Bộ Y tế tạm dừng xuất khẩu một số loại thuốc



Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khỏe cho người dân đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến; tiếp tục thực hiện phát hiện các ca bệnh. Rút kinh nghiệm của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp, coi các ca bệnh đều là nguyên phát khi thực hiện xét nghiệm trong cộng đồng, không được chủ quan trong phán đoán, cần hành động dứt khoát để khoanh vùng, dập dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tạm dừng xuất khẩu một số loại thuốc phục vụ điều trị Covid-19 và nhập khẩu các nguyên liệu, thuốc điều trị cần thiết.

 


Thời cơ thúc đẩy kinh tế số


Dù khó khăn do Covid-19, nhưng Thủ tướng cho rằng, đây chính là thời cơ của ngành công thương và nhiều ngành khác nhất là doanh nghiệp dệt may, trong bối cảnh thiếu các đơn hàng, bị hủy đơn hàng: “Đây là thời cơ và cũng là thách thức đối với các ngành sản xuất, thiết bị công cụ y tế, kể cả sản xuất máy thở. Chúng ta hy vọng sẽ có ngành công nghiệp sản xuất máy thở ở Việt Nam. Ở Việt Nam đã từng sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán, điều đó giúp chúng ta chủ động trong xét nghiệm và điều trị và điều đó là cơ hội chúng ta có thể xuất khẩu sản phẩm này. Khi đứt gãy chuỗi cung ứng thì việc chủ động nguồn cung là biện pháp hữu hiệu căn cơ nhất. Khi tôi nói chuyện với các vị lãnh đạo các nước, họ đều đặt vấn đề bài học Việt Nam, muốn mua khẩu trang các loại và trang thiết bị y tế của Việt Nam. Tôi đề nghị các ngành y tế và Công thương và các ngành khác coi đây là cơ hội và thách thức với các đồng chí”.


Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, đây cũng chính là thời cơ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số. Các bộ, ngành cần tiếp tục phát triển các ứng dụng phục vụ người dân, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh. Chính phủ biểu dương lực lượng làm công tác công nghệ đã chung tay với các lực lượng phòng, chống dịch bệnh, trong đó có các hãng viễn thông đã có chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.


Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông thông tin đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp về phòng, chống Covid-19 để người dân nắm bắt. Nhấn mạnh chống dịch là chính chứ không phải chống giặc trên mạng, Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền đúng mức, không lạc quan quá, không đưa tin giật gân khiến xã hội hoang mang. Theo đó phải tập trung vào 3 đối tượng y bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chống dịch; đội ngũ công an, bộ đội, nhất là bộ đội biên phòng; những tấm lòng nhân ái chung tay chống Covid-19./.
Phạm Hằng (Tổng hợp)

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.