CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > CHƯ SÊ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TÁI CANH CÂY CÀ PHÊ

CHƯ SÊ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TÁI CANH CÂY CÀ PHÊ

27/02/2020

     Tái canh cà phê là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành cà phê, là một trong những nguồn lực kinh tế chủ lực cho khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Nhằm chuyển đổi những vườn cà phê già cỗi, sinh trưởng kém và năng suất bình quân 3 năm liền thấp dưới 2,0 tấn nhân/ha, không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; vườn cà phê trồng từ 1 đến 3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ.


Vườn cà phê già cỗi cần được tái canh
     Trong giai đoạn từ năm 2015-2019, huyện Chư Sê đã thực hiện tái canh với tổng diện tích 1.458 ha, trong đó có 626 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ với tổng diện tích 349 ha. Các vườn cà phê trên địa bàn huyện được tái canh từ năm 2015, 2016 đã bước đầu cho kết quả khả quan như sinh trưởng khỏe, năng suất cao, kích thước nhân lớn, kháng bệnh gỉ sắt và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương.
  

Vườn và phê tái canh được 04 năm tuổi
    Kế hoạch thực hiện tái canh trên địa bàn huyện năm 2020 là 315,5 ha. Thực hiện công văn số 2241/UBND -NL ngày 12/12/2019 của UBND huyện Chư Sê về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch trồng tái canh cà phê năm 2020, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê đã phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn thành lập tổ rà soát, đánh giá, thẩm định vườn cây đủ điều kiện tái canh cà phê năm 2020 đảm bảo chính xác theo quy định tại quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 của Bộ NN và PTNT. Hiện đã tổ chức thẩm định được 250 ha vườn cây đủ điều kiện tái canh.
    Tham gia chương trình tái canh cây cà phê, các hộ dân có vườn cà phê cần tái canh được hỗ trợ 100% cây giống, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu xử lý đất đến khi trồng, chăm sóc nên tỷ lệ cây trồng sống và phát triển tốt đạt khá cao.
     Những năm trước đây, hầu như toàn bộ diện tích cà phê của tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Sê nói riêng đều được trồng bằng hạt, trong đó phần lớn do nông dân tự chọn, không qua một quy trình chọn lọc nên năng suất thấp, hạt bé, vườn bị nhiễm bệnh gỉ sắt chiếm tỷ lệ cao, trung bình khoảng 5-10%. Vì thế đối với việc tái canh cà phê, giống cây luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến việc tăng năng suất, phẩm chất cây trồng cũng như các đặc tính chống chịu sâu bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất giống nhằm từng bước tăng cường quản lý chất lượng giống tốt hơn phục vụ cho công tác tái canh cà phê. Tại các tỉnh Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị chủ trì dự án phát triển giống cà phê. Trong giai đoạn tái canh, Viện đã cung cấp hạt và cây giống thực sinh lai đa dòng TRS1 có nhiều ưu điểm vượt trội đáp ứng yêu cầu phát triển ngành cà phê của cả nước theo hướng bền vững.
Sự thay đổi giống cây cà phê mới là cơ sở đem đến những chuyển biến tích cực cho các vườn cà phê tái canh trên địa bàn huyện, hứa hẹn mùa màng bội thu trong những năm tới cho bà con nông dân.
                                                                                             Thuy Huynh

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang