CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Hướng dẫn các giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu

Hướng dẫn các giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu

09/10/2019

     Do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn làm cho sự sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu gặp nhiều bất lợi; các đối tượng sâu bệnh hại phát triển mạnh, có nguy cơ gây hại đến cây hồ tiêu. Để có những giải pháp thích hợp, kịp thời khắc phục tình trạng bất thuận của thời tiết, khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Ngày 27/9/2019, Sở Nông nghiệp&PTNT đã có văn bản số 2222/SNNPTNT-TTBVTV hướng dẫn các giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu như sau:


a) Quản lý cây che bóng, cây chắn gió, cây phủ đất: Rong tỉa cây che bóng làm cho vườn tiêu thông thoáng, tăng độ chiếu sáng làm tăng khả năng quang hợp của cây, hạn chế sự phát triển của của dịch bệnh. Cuối mùa mưa chăm sóc lại bộ tán cây che bóng, cây choái sống để che nắng trong mùa khô. Sử dụng cây lạc dại để làm cây che phủ đất nhằm tránh xói mòn, giữ độ ẩm và bổ sung dinh dưỡng cho cây tiêu trong giai đoạn mùa khô.
b) Quản lý dinh dưỡng:
- Đối với tiêu kinh doanh:
+ Bón phân thúc lần 3 (vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10): Sử dụng phân hỗn hợp NPK16-8-16 (loại phân bón đầu trâu tăng trưởng); lượng bón 0,3-0,4 kg/gốc tương đương 500-700 kg/ha; có thể bổ sung thêm KNO3 để chống rụng quả non.
+ Bón phân thúc lần 4 (vào thời điểm tháng 11): Sử dụng loại phân NPK 15-15-20; lượng bón 0,3-0,4 kg/gốc tương đương 500-700 kg/ha.
- Đối với hồ tiêu kiến thiết cơ bản: Sử dụng loại phân bón NPK 20-20-15 hoặc NPK 16-16-8 (loại phân bón đầu trâu tăng trưởng); lượng bón từ 0,1-0,15 kg/gốc tương đương 120-150 kg/ha.
- Bón phân cân đối, đầy đủ, có thể kết hợp chất điều hòa sinh trưởng (RIC hồ tiêu 10WP với lượng 15-20 kg/ha) giúp rễ phát triển tốt, kháng bệnh.
- Đối với các vườn tiêu trồng mới: Bón phân 03 lần chia đều nhau, lần 01 sau trồng 02 tháng, lần 02 sau trồng 4 tháng, lần 03 sau trồng 6 tháng; tổng lượng phân bón chia đều cho 03 đợt như sau: Đối với sử dụng phân đơn: Urê 150-200kg/ha, Kali Clorua 120-150kg/ha; đối với sử dụng phân hỗn hợp NPK 16-16-8, lượng bón 250-300kg/ha.
* Lưu ý: Bón bổ sung thêm phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng cường độ tơi xốp đất; khả năng kháng một số nấm bệnh gây hại, phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững.
c) Quản lý dịch hại:
- Vun cao gốc tiêu để tránh ngập úng; đối với những vườn có độ dốc thấp dưới 100, đất bằng phẳng phải thiết kế mương thoát nước trong mùa mưa để hạn chế sự lây lan của các đối tượng dịch hại, đặc biệt là bệnh héo chết nhanh.
- Cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn tiêu thông thoáng hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng và phát sinh gây hại của sâu bệnh.
- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh kịp thời và phân loại sức khỏe từng choái tiêu, vườn tiêu để áp dụng biện pháp phòng trừ hợp lý hiệu quả:
+ Đối với vườn tiêu đang phát triển xanh tốt chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc bệnh nhẹ: Áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp bền vững theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học chứa nấm đối kháng như: Trichoderma, Pseudomonas, Streptomyces, Bacillus, Metarhizium, ... và các hoạt chất sinh học như: Abamectin, Peacilomyces, Matrine, Azadirachtin, Chitosan, ...
+ Đối với vườn tiêu đã bị nhiễm tuyến trùng, nấm bệnh nhưng còn khả năng phục hồi (lá vàng và xoăn nhẹ; rụng lá, rụng đốt nhưng dưới 50% so với cây bình thường;  rễ có nốt sưng, rễ tơ bị hại nhưng rễ chính vẫn còn sống): Xử lý  bằng cách kết hợp thuốc trừ tuyến trùng (thuốc có hoạt chất: Ethoprophos, Carbosulfan, Clinoptilolite, Benfuracarb) + thuốc trừ  nấm bệnh (thuốc có hoạt chất:Potassium phosphonate, Dimethomorph, Metallaxyl, Mancozeb, Fosetylaluminium); sau 15-20 ngày dùng thuốc kích thích ra rễ (Ric 10 WP, Super humic, Root well, Rong biển) để  giúp cây phục hồi bộ rễ.
+ Đối với vườn tiêu bị bệnh nặng, không có khả năng phục hồi: Khuyến cáo người dân nhổ bỏ, tiêu hủy, xử lý, cải tạo đất bằng biện pháp tăng phân hữu cơ, trồng cây phân xanh, cây họ đậu và vệ sinh vườn sạch sẽ; liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods), Tập đoàn Khoa học Quốc tế Trường Sinh, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai... để chuyển đổi những diện tích trồng tiêu hiệu quả kinh tế thấp, những diện tích tiêu bị chết sang trồng cây trồng khác như cây ăn quả, cây cà phê, cây dược liệu, cây hoa màu./.
                                                                                                Thu Nguyễn

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang