CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Đầu tư các mô hình sinh kế thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

Đầu tư các mô hình sinh kế thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

04/10/2019

     Thời gian qua, nhằm giúp nông dân tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ứng phó với sự biến đổi về thời tiết, tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, huyện Chư Sê đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác khuyến nông theo hướng đầu tư chọn lọc mô hình nuôi trồng theo hướng sản xuất bền vững. Qua triển khai áp dụng đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp địa phương.
     Từ 3 năm trở lại đây, tình hình thời tiết luôn biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, tình trạng hạn hán cục bộ thiếu nước tưới và dịch bệnh gây hại cho cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn những yếu tốt rủi ro. Bên cạnh đó, giá cả nông sản giảm mạnh, sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Để giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm thiệt hai do thiên tai gây ra, Trung tâm dịch vụ Nông nghiêp (DVNN) huyện đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các hộ nông dân đã cho kết quả khả quan


Quang cảnh hộ thảo mô hình nuôi vịt siêu trứng TC. Ảnh: HV
    Mô hình nuôi vịt siêu trứng sử dụng đệm lót sinh học được Trung tâm DVNN huyện triển khai tại các xã Kông H’Tok, Chư Pơng và xã Dun, với 09 hộ được tham gia thực hiện mô hình. Các hộ có khả năng đối ứng 100% công lao động và vật liệu làm chuồng trại. Trước khi tiến hành Trung tâm DVNN huyện đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 09 hộ và 41 hộ lân cận có nhu cầu để nắm bắt được kỹ thuật làm chuồng trại và chăn nuôi vịt đẻ trong mỗi giai đoạn. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100 con vịt giống, men vi sinh làm đệm lót, thuốc thú y và 50% thức ăn cho vịt từ 2 đến 24 tuần tuổi. Sau thời gian triển khai chăn nuôi, thực hiện theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm DVNN huyện, đàn vịt phát triển và sinh sản tốt. Tỷ lệ bình quân vịt đẻ đạt trên 80%, trứng to đều. Ông Đỗ Văn Hải- Làng Ó, Kông H’tok, chia sẻ: Năm 2018 chúng tôi đã nhận được 100 con vịt siêu trứng TC và được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ thức ăn trong 3 tháng đầu. Nuôi vịt bằng đệm lót sinh học, sử dụng đúng men vi sinh được Trung tâm DVNN hướng dẫn kết quả rất tốt, không có mùi hôi. Qua 4 tháng chăn nuôi, đàn vịt của gia đình tôi đã cho mỗi ngày 72 quả trứng.
 

Hình ảnh mô hình nuôi vịt tại hộ ông Hải Kong Htok. Ảnh: HV
     Tương tự như mô hình nuôi vịt siêu trứng, đó là việc chuyển giao mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, kết hợp với tưới nước tự động tại xã Ia Blang đạt kết quả khả quan. Trung tâm DVNN đã chọn 2 hộ tham gia mô hình tiến hành lắp đặt 2 nhà lưới, diện tích 2000m2, tổng kinh phí đầu tư gần 200 triệu, hướng dẫn cho các hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, cung cấp giống, phân bón và các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh, tiến hành trồng hai loại mướp đắng và cà chua. Sau thời gian triển khai, cuối năm 2018 mô hình được tổng kết đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất cà chua ước đạt gần 4 tấn/ sào và mướp đắng đạt 2,5 tấn/sào.
      Được trung tâm DVNN huyện đầu tư mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp với tưới nước tự động, trồng cây mướp đắng và cà chua, tôi thấy hai loại cây này rất thích hợp để thay thế cho cây hồ tiêu và cà phê đang bị dịch bệnh. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình ổn định, có thu nhập hàng ngày - Ông Nguyễn Việt Lào, thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho hay.
 

Trung tâm DVNN huyện tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả
mô hình trồng rau trong nhà lưới tại xã Ia Blang. Ảnh: HV
     Trước đó, vụ đông xuân năm 2017-2018, Trung tâm DVNN huyện đã thực hiện thành công nhiều mô hình như: mô hình cánh đồng lúa liên kết tại làng Tel Yố (xã Ia H’Lốp); mô hình trồng bắp nếp tại cánh đồng làng Tào Ròng (xã Ia Pal); chuyển đổi chân ruộng đông xuân thiếu nước cuối vụ sang trồng bắp lai tại cánh đồng K’la Nhân (xã Al Bá) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
     Ông Lê Sỹ Quý – Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Chư Sê cho biết: Kết quả của các mô hình đã làm thay đổi nhận thức cho người dân, bà con tin tưởng khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Năm 2019 này, cùng với sự thành công của các mô hình, chúng tôi sẽ mạnh dạn đề xuất UBND huyện đưa vào một số cây trồng mới, như: dưa lưới trong nhà lồng, trồng cây ăn quả có năng suất chất lượng cao và trồng xen canh trong vườn hồ tiêu chết, vườn cà phê già cỗi, nâng cao thu nhập cho bà con trong điều kiện sản xuất khó khăn hiện nay.
     Có thể nói, thành công các mô hình  khuyến nông đã tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc để nông dân an tâm thực hiện các mô hình sản xuất mới, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn và tái canh nông nghiệp của huyện.
                                                                               Hoàng Viên

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang