Cảnh báo nguy cơ bệnh dại trên chó, mèo
21/04/2023
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Để ngăn chặn nguy cơ bệnh dại, người dân cần nắm rõ thông tin về triệu chứng bệnh dại, cách phòng ngừa, xử lý khi bị động vật cào, cắn…
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây ra, lây từ động vật sang người từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắt hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể người.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Khi bị chó, mèo, bất cứ động vật nào nghi ngờ bị dại cắn cần phải sơ cứu theo như sau: Vết thương cần được rửa sạch ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng từ 10-15 phút. Trường hợp nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong vòng 15 phút liên tục. Bước sơ cứu là rất quan trọng và hiệu quả nhất để phòng chống lại bệnh dại. Vết thương được rửa kỹ với cồn 70 độ. Sau đó đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bệnh dại hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên bệnh dại khi đã phát bệnh thì gần như tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Việc sơ cứu vết thương và tiêm vắc-xin dự phòng sau khi bị động vật cắn hay vết thương hở trên da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại hay bị dại là rất quan trọng.
Các hộ gia đình có vật nuôi chó, mèo cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi để ngăn chặn bệnh dại xảy ra./.
Trúc Phùng