Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số
11/03/2024
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn huyện Chư Sê đã đạt được những kết quả quan trọng; các giá trị, phẩm giá con người Việt Nam, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội được phát huy cao độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Trong những thành tựu văn hóa to lớn đó, có sự đóng góp rất tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Chư Sê với hệ giá trị văn hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp đó đang bị tác động bởi sự biến đổi của không gian sinh tồn, bởi phương thức mưu sinh, bởi sự tác động của các tín ngưỡng du nhập, đã dần phá vỡ một không gian văn hóa đặc sắc. Đó không chỉ là sự trăn trở của riêng đồng bào, của cán bộ làm công tác văn hóa mà còn là tất cả những ai nặng lòng với bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Huyện có 15 đơn vị hành chính (gồm 14 xã và 01 thị trấn) với 15 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn huyện có 28.048 hộ với 125.888 khẩu, trong đó có 14 dân tộc thiểu số với 12.049 hộ, 57.319 khẩu, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar và một số dân tộc khác. Với đặc điểm về điều kiện tự nhiên - xã hội đã tạo nên một nền văn hóa mang đậm những nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên. Các dân tộc Bah nar, Jrai trên địa bàn huyện sống tập trung thành làng và có tinh thần đoàn kết cao, tính cộng đồng vẫn được lưu giữ và phát huy. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa vật thể độc đáo của người dân Tây Nguyên như: Nhà rông, tượng gỗ dân gian... và nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú gắn kết chặt chẽ với các làng. Không gian văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên. Các lễ hội truyền thống ở đây biểu thị những quan niệm về con người, trở thành những lễ hội vui với sự tham gia của toàn thể cộng đồng, như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả… Mỗi hội lễ tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo tồn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển huyện. UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động du lịch hàng năm trên địa bàn huyện. Tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Chư Sê; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò, tầm quan trọng phát triển du lịch của huyện; xây dựng quảng bá hình ảnh về con người Chư Sê thân thiện, mến khách.
Triển khai tích cực các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, phục dựng các nghi lễ truyền thống đang có nguy cơ bị mai một như: lễ mừng lúa mới, tổ chức ngày hội Đại đoàn kết, Hội thao thể thao văn hóa các dân tộc thiểu số, hội diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn huyện. Tham gia các lớp về bồi dưỡng nghệ thuật dân gian, giảng dạy chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm; giao lưu, trình diễn các chương trình văn hóa, tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên do tỉnh tổ chức. Hiện huyện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng đều có những nghệ nhân, già làng làm nòng cốt và nỗ lực tổ chức các hoạt động, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đang từng bước được bảo tồn, kế thừa, phát triển ngày càng mạnh mẽ
Các nghệ nhân huyện Chư Sê tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
do tỉnh tổ chức, ảnh: Đ.N
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai xây dựng, bảo vệ nền văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đang đứng trước một số khó khăn, như: sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Cùng với đó là sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội vừa trực tiếp góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng văn hóa lai căng, sự ảnh hưởng của lối sống ảo của một bộ phận giới trẻ, thanh niên, khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng là nhiệm vụ không dễ dàng trong tình hình hiện nay.
Do vậy, việc bảo vệ, bảo tồn, phát triển văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong thời gian tới là vấn đề hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới. Để thực hiện tốt, chúng ta cần tập trung vào một số biện pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, ưu tiên nhiều nguồn lực để tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức tự tôn dân tộc, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu chống phá khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Quá trình tiến hành phải hết sức kiên trì, thận trọng, bền bỉ, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống sinh hoạt của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, chống các biểu hiện chủ quan, đơn giản, nóng vội, áp đặt, duy ý chí trong hoạt động văn hóa. Coi trọng, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện, vai trò của già làng, người có uy tín, các nghệ nhân văn hóa, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian để tuyên truyền, lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp, đấu tranh loại trừ văn hóa đồi trụy, đấu tranh lối sống ảo đang tồn tại ở một số bộ phận giới trẻ trên địa bàn huyện.
Ba là, đẩy mạnh và đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, coi trọng chất lượng. Tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, phục dựng các nghi lễ truyền thống tốt đẹp, giữ gìn không gian sinh tồn văn hóa tộc người, phát triển tốt các loại hình văn hóa độc đáo, ngành nghề truyền thống đặc sắc nhằm giúp cho người dân nhận thức được giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, tự hào về nó và có ý thức bảo tồn, phát huy.
Bốn là, chủ động trên mặt trận văn hóa, nhất là trong khâu dự báo, đánh giá, để từ đó kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong xây dựng, phát triển, bảo tồn văn hóa qua từng giai đoạn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong toàn huyện.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy