CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > HUYỆN CHƯ SÊ HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÂY SẦU RIÊNG

HUYỆN CHƯ SÊ HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÂY SẦU RIÊNG

08/12/2021

     Nhận thấy điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương thích hợp cho cây sầu riêng phát triển nên những năm qua, người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Sê đã chuyển những diện tích cà phê, tiêu già cỗi, năng suất thấp sang trồng cây sầu riêng. Ngoài việc trồng những giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; địa phương cũng chú trọng việc thành lập các tổ liên kết, hợp tác xã nhằm đảm bảo ổn định đầu ra của loại trái cây đặc trưng này, qua đó hướng đến việc sản xuất sầu riêng sạch và trở thành sản phẩm đặc sản của huyện.
     Sầu riêng được biết đến là một loại trái cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nổi tiếng với biệt danh là “Vua của các loại trái cây”. Hiện nay, sầu riêng đã bước vào cuối vụ thu hoạch; do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá sầu riêng giảm đi khá nhiều so với mọi năm. Thế nhưng, so với các cây công nghiệp khác như mắc ca, cà phê, ca cao, hồ tiêu... thì cây sầu riêng vẫn giữ được vị thế và đang là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân ở Chư Sê.Ông Nguyễn Phước Thiện, ở thôn 6, xã Ia Blang có gần 20 năm trồng và thành công với cây sầu riêng, hàng năm cho lợi nhuận cả hàng tỷ đồng. Để có được thành công đó là sự nỗ lực không ngừng của ông trong nghiên cứu, rút kinh nghiệm qua từng vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Với hơn 900 cây sầu riêng Ri 6, Thái, Sữa được trồng xen trong các vườn cà phê, tiêu, mít..; trong đó có 500 cây đang cho thu hoạch với đủ loại từ cây các mẹ gần 20 năm, cây mẹ thu năm 2, năm 3 đến cây cho thu bói. Tại vườn ông Thiện, với cây đã cho thu hoạch lâu năm, mỗi vụ cho năng suất trung bình 80-100 trái/cây; cây cho thu năm 2-3, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 35-40 trái/cây; cây cho thu bói cũng đạt trung bình 10-20 trái/cây. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi như mọi năm nhưng vườn sầu riêng của ông vẫn đạt trên 50 tấn. Với giá bán tại vườn trung bình 45.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí; lợi nhuận mang lại cho gia đình ông là khoảng 2 tỷ đồng. "Nếu giá sầu riêng giảm xuống tầm 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận vẫn cao hơn cà phê và nhiều cây trồng khác", ông Thiện cho biết thêm


Vườn sầu riêng của hộ dân trong mùa thu hoạch
     Trồng xen trong vườn cây hồ tiêu, ông Nguyễn Quốc Anh ở làng Ser, xã Kông HTok có hơn 200 cây sầu riêng với các giống Ri 6 và Mon Thoong. Hiện nay, gia đình ông có 70 cây đã bước vào thu hoạch ổn định năm thứ 9; vụ vừa rồi, ông thu được gần 10 tấn quả; với giá bán bình quân 45.000.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí đã đem lại lợi nhuận cho gia đình ông gần 400 triệu đồng.
     Hộ ông Nguyễn Trọng Dũng, thôn 5, xã Ia Blang cũng rất tâm huyết khi đầu tư trồng 1.000 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép. Sau khi trồng tiêu trên diện tích 07 ha bị chết, rớt giá; ông quyết định chuyển đổi toàn bộ sang trồng sầu riêng xen bơ 034. Năm tới, có 500 cây sầu riêng sẽ bắt đầu cho thu bói, nhưng vụ vừa rồi ông đã thu rải rác được khoảng 2 tạ sầu riêng; vừa để khảo giống, vừa để gia đình và mời người thân, bà con chòm xóm thưởng thức thử giống sầu riêng này. Với 500 cây thu bói, ông ước tính cho cho năng suất trung bình 30 tấn quả.
 

Sầu riêng Ri6 và Mon Thoong là 02 giống được nhiều người dân ưu chuộng
     Sầu riêng trồng sau 4-5 năm cây đã cho trái; những năm tiếp theo, cây càng to, tán càng rộng, năng suất sầu riêng càng tăng. Sầu riêng có giá cả cao nhưng để có trái bán thì không hề đơn giản. Chia sẻ về việc chăm sóc cây sầu riêng, nông dân trồng sầu riêng Chư Sê cho biết, trồng sầu riêng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật mới đạt hiệu quả. Muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, dưỡng cỏ để giữ ẩm cho cây. Trên cây sầu riêng có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như bệnh xì mủ, nứt thân và mùa khô hay bị nhện đỏ ăn trên mặt lá, dẫn đến rụng lá, rụng quả; do đó phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có biện pháp ngăn ngừa, điều trị thì sầu riêng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
     Mặc dù hương vị của sầu riêng khá nặng và nồng, nhưng nó lại chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hầu hết các loại trái cây khác; trong sầu riêng có chứa một hàm lượng vitamin C, B, chất xơ, sắt, đồng, kali... tốt cho sức đề kháng, giảm tình trạng táo bón; cải thiện lưu lượng máu và giúp vượt qua trầm cảm hiệu quả. Về chế biến, sầu riêng có thế mạnh về phát triển chế biến hơn các loại trái cây khác. Khi thị trường không thuận lợi, các doanh nghiệp vẫn có thể tiến hành thu mua sầu riêng cho nông dân, sau đó thực hiện việc tách múi để đưa vào kho lạnh cấp đông, lưu trữ trong một thời gian dài để cung ứng thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa nâng cao giá trị trái sầu riêng. Việc cấp đông nhanh sầu riêng theo quy trình khép kín vẫn giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm của sầu riêng.
      Trong những năm gần đây, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; huyện đã tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) liên kết cùng người dân sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nhiều loại nông sản chủ lực. Đặc biệt, từ các nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2019 và 2020, huyện đã triển khai nhiều dự án liên kết giữa các HTX với người dân thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca do HTX Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Ia Ring (xã Ia Tiêm) làm chủ đầu tư với 60 ha mắc ca xen trong vườn cà phê; Dự án chuỗi liên kết sản xuất cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 16,2 ha do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh triển khai; Dự án liên kết trồng dâu nuôi tằm của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang với diện tích 50 ha…
     Đối với phát triển cây sầu riêng, từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới do HTX Dịch vụ tổng hợp Ia Blang làm chủ đầu tư, huyện đã hỗ trợ triển khai dự án trồng thâm canh cây sầu riêng với diện tích 15 ha tại xã Ia Blang; kinh phí trên 285 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp khuyến nông, sự nghiệp nông nghiệp; trong năm 2020, 2021 huyện đã đầu tư hơn 502 triệu đồng để hỗ trợ giống phát triển 34,7 ha sầu riêng cơm vàng hạt lép tại các xã Ia Pal, Ia Glai, Ia Blang, TT. Chư Sê… Đồng thời, huyện cũng đã thành lập các nông hội, tổ liên kết, hợp tác xã hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết phát triển cây sầu riêng như Nông hội Trồng cây ăn quả xã IaBlang với gần cả trăm thành viên, chủ yếu trồng sầu riêng và bơ; HTX Dịch vụ tổng hợp xã Ia Blang, HTX dịch vụ tổng hợp xã Ia Hlốp hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết phát triển cây sầu riêng; đăng ký tham gia liên kết với sản xuất sầu riêng với Công ty TNHH  XNK trái cây Chánh Thu… Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều thành viên nông hội, hợp tác xã đã học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau; được đi tham quan những mô hình trồng cây ăn quả tiêu biểu tại các huyện lân cận; được tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái…
      Trong thời điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều loại trái cây giá xuống thấp khiến nhiều nông dân mất nguồn thu nhập, nhưng sầu riêng vẫn bảo đảm mức giá tương đối ổn định, đem lại lợi nhuận khá. Với diện tích toàn huyện hiện nay là 230 ha sầu riêng; ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con nên tập trung thâm canh đúng kỹ thuật, trồng thêm cây chắn gió cho sầu riêng... để nâng cao chất lượng, năng suất. Ngoài ra, bà con cũng cần tham gia và mở rộng các chuỗi các liên kết, tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra theo hướng bền vững. Trước tình hình các mặt hàng trái cây đang giảm sâu, khó tiêu thụ; huyện cũng đã có các giải pháp hỗ trợ, tìm đầu mối tiêu thụ giúp người dân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá các loại trái cây đặc sản của địa phương. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tất cả các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ. Tỉnh Gia Lai cũng sẽ đồng hành đưa các sản phẩm OCOP, có nhãn hiệu, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có liên kết sản xuất số lượng lớn lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ. Để thúc đẩy tiềm năng phát triển sầu riêng của huyện thì trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã chú trọng quy hoạch ngành nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất cho từng vùng, từng loại cây trồng vật nuôi chủ yếu; ưu tiên quy hoạch các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả; đặc biệt các loại cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, cam, quýt,….theo định hướng Nghị quyết 11/NQ-HU ngày 18/4/2019 của Huyện ủy.
      Từ những hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân, huyện Chư Sê đang chú trọng phát triển những loại sầu riêng sạch, nguồn gốc rõ ràng để xây dựng loại trái cây này trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, qua đó nâng cao giá trị của sầu riêng trên thị trường.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang