CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Kết quả đạt được của công tác gia đình huyện Chư Sê giai đoạn 2013-2018

Kết quả đạt được của công tác gia đình huyện Chư Sê giai đoạn 2013-2018

23/01/2019

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 19/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình đến năm 2020”,  sau 05 năm thực hiện Chỉ thị đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác gia đình quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi  đầu tư cho gia đình là đầu tư phát triển bền vững. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện luôn coi công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác; đưa các chỉ tiêu về công tác gia đình vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 29/7/2014 về kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trên địa bàn huyện Chư Sê. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ...
  Cấp uỷ, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của huyện triển khai có hiệu quả công tác gia đình tại địa phương, đơn vị mình, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, sinh hoạt đoàn viên, hội viên, sinh hoạt các câu lạc bộ ...các tổ chức đoàn thể quần chúng, qua hệ thống thông tin đại chúng, các cơ quan thông tin như: Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác gia đình trong cộng đồng dân cư góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình.
 
 
 

Quang cảnh  buổi tập huấn  về công tác gia đình.
 
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác gia đình trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa được nâng lên, ngày càng có nhiều gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa. Việc lồng ghép công tác gia đình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn … đã góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định.
Trong 05 năm qua, các cơ quan tuyên truyền của huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình đến các em học sinh tại các cơ sở giáo dục, đạt tỷ lệ 70%; thanh niên khu vực nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa đạt tỷ lệ 40%; cán bộ, công nhân viên chức đạt tỷ lệ 80%, cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang đạt tỷ lệ 90%. Công tác tiếp nhận và cấp phát tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi về gia đình, các kỹ năng sống trong gia đình có tên gọi “Hạnh phúc gia đình - Những điều cần biết”, “Hôn nhân và cuộc sống gia đình”, “Xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc”, “Gia đình  - Nơi chan chứa yêu thương”, 50 quyển, tờ áp phích tuyên truyền về “Xây dựng Nếp sống văn minh từ mỗi gia đình” . ..Từ đó, hạn chế được các hành vi bạo lực, giảm thiểu tình trạng tự vẫn, các hành vi bị động, đồng thời giúp con người có khả năng nhận thức và tự ý thức về bản thân. Các hành vi thiện nguyện, ủng hộ xã hội cũng được nâng lên đáng kể.
 Công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, công sở văn hóa... Từ năm 2013 đến 2018, toàn huyện có 156/183 thôn, làng, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước, đạt tỷ lệ 85,24%. Trong đó: 146 hương ước, quy ước đã được phê duyệt.
Việc xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước được đặc biệt quan tâm. Vận động nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, phát huy tình làng, nghĩa xóm, tích cực giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các gia đình đã tự ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nội dung quy ước hương ước của làng, xóm như trong việc cưới, việc tang; hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; tích cực lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ nhau làm giàu chính đáng,  tình làng, nghĩa xóm thêm khăng khít, bền chặt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong 05 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện  đã có sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Đến nay, có trên 90% số hộ gia đình được xem truyền hình, 80% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch, tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia tập luyện thể dục thể thao toàn huyện đạt 36%.  Hàng năm, bình quân tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện tăng từ 2 đến 3%. Năm 2013, huyện Chư Sê  có 18.308/25.385 hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”  đạt tỷ lệ 72%, đến năm 2018 toàn huyện có 24.580/28.253 hộ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 87% (trong 05 năm tăng 15%).
Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên gia đình cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm.100% số xã, thị trấn có cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác gia đình; 100% thôn, làng, tổ dân phố có mạng lưới cộng tác viên gia đình. Hàng năm, 100% xã, thị trấn cử cán bộ, công chức tham gia lớp tập huấn lồng ghép với nghiệp vụ công tác gia đình nói chung, các chuyên đề về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam cho cán bộ làm công tác gia đình nhằm trang bị những kỹ năng trong công tác triển khai các nội dung về công tác gia đình, nâng cao kỹ năng tư vấn, kỹ năng hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cho các cán bộ cơ sở, xây dựng các địa chỉ tin cậy, các đường dây nóng để phòng chống bạo lực gia đình kịp thời có hiệu quả.
 Bên cạnh những kết quả đạt được công tác gia đình trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như: Việc thực hiện Luật hôn nhân và gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống lành mạnh. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt đang bị mai một. Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm xâm nhập vào nhiều gia đình...
 Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình đến năm 2020”, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị số 13-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình đến năm 2020” để nâng cao sự nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về vị trí của gia đình trong xã hội, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về gia đình, giúp cho các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình ngày càng phát triển bền vững.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình huyện Chư Sê đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể huyện về công tác gia đình.
Ba là, từng bước hoàn thiện các nhiệm vụ liên quan để củng cố phát triển kinh tế gia đình, chú trọng hơn nữa việc hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình thuộc các đối tượng chính sách, gia đình nghèo, tiến tới không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm.
Bốn là, mở rộng cơ sở sản xuất ở nông thôn để thu hút lao động và giải quyết việc làm và lao động dư thừa do quá trình đô thị hóa.
Năm là, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình từ huyện đến cơ sở.
                      
                                                                                               Phương Lê
 
 
                   

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang