CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > NÔNG DÂN CHƯ SÊ GẶP KHÓ KHĂN DO TRỒNG SACHI TỰ PHÁT

NÔNG DÂN CHƯ SÊ GẶP KHÓ KHĂN DO TRỒNG SACHI TỰ PHÁT

22/10/2019

     Mặc dù nằm ngoài quy hoạch cây trồng của chính quyền địa phương và khuyến cáo không nên mở rộng nhưng người dân trên địa bàn huyện vẫn chuyển đổi nhiều diện tích để trồng cây sachi. Điều này dẫn đến đầu ra của cây sachi không ổn định, giá cả sụt giảm và gây khó khăn cho người nông dân.Cây sachi được người dân Chư Sê trồng phổ biến từ năm 2017 sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đồng ý cho phép các công ty trồng khảo nghiệm cây Sachi trên địa bàn tỉnh. Trong đó huyện Chư Sê là một trong các huyện phát triển mạnh nhất tỉnh Gia Lai loại cây trồng mới này. Trong năm 2017, Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên (đơn vị cấp 2 của Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho phép triển khai trồng khảo nghiệm cây Sachi trên địa bàn huyện với diện tích gần 03 ha tại xã IaBlang. Thời kỳ cao điểm vào năm 2017 đến đầu 2018, hạt sachi có giá bán giao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg hạt. Tuy nhiên từ cuối năm 2018 đến nay, đầu ra của sản phẩm trở nên khó khăn, giá sachi giảm sút mạnh chỉ còn khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg hạt gây thiệt hại kinh tế cho người trồng.
     Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều hộ dân trồng Sachi tự phát, diện tích người dân tự phát bên ngoài khoảng 70 ha; tập trung tại các xã IaPal, IaBlang, AlBá và thị trấn Chư Sê. Không chỉ giá xuống thấp mà đầu ra cũng không mấy khả quan, còn phụ thuộc vào các thương lái. Đơn cử Hộ ông Nguyễn Văn Lý tại xã AlBă hiện có khoảng 06 ha Sachi; trong đó có 02 ha đang cho thu hoạch. Ông Lý là người đứng đầu của tổ sản xuất gồm 4 hộ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xuất nhập khẩu Light City (thành phố Pleiku, Gia Lai). Các hộ dân phải sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm hạt Sachi phải đảm bảo quy trình, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. So với cây tiêu, cà phê đang có xu hướng xuống giá, Sachi lại có nhiều ưu điểm hơn, ông Lý và các hộ dân trong vùng đã phát triển diện tích Sachi vượt qua mức thu mua mà các công ty đưa ra trong hợp đồng nên dư nhiều sản phẩm không bán được. Số hạt Sachi không bán được, ông phải đầu tư hệ thống máy ép dầu để bán. Tương tự tại hộ bà Nguyễn Thị Huế Ngọc tại xã Ia Blang cũng có 03 sào Sa chi được trồng với 600 cây nhưng mới vừa chặt bỏ do không có công ty thu mua, tuy khi trồng bà có kí hợp đồng thu mua với một công ty nhưng do giá xuống thấp nên phía công ty còn cầm chừng không thu mua nên gia đình đã chặt bỏ.
     Theo Quyết định số 204/QĐ-BNN-TT ngày 14/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận đặc cách giống dược liệu mới; Sachi được công nhận vùng sinh thái được đặc cách là các tỉnh phía Bắc. Theo quyết định này, khu vực Gia Lai không nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây Sachi nên khiến ngành nông nghiệp huyện Chư Sê chưa thể đưa cây Sachi vào danh mục quy hoạch cây trồng. Tuy nhiên Sachi là loại cây trồng dây leo nên chi phí đầu vào cao nhất thuộc về khâu làm trụ, giàn. Tại Chư Sê, có nhiều ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, vì vậy người dân sẽ không phải bỏ vốn đề đầu tư hệ thống giàn leo cho Sachi, mà trồng trực tiếp vào các gốc tiêu đã chết. Đây chính là điều kiện để cây Sachi phát triển mất vượt mức tại huyện Chư Sê


Hạt Sachi được mệnh danh là vua của các loại hạt
     Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, do Sachi là một loại cây trồng mới, chưa được công nhận nên ngoài diện tích 6,4 ha được tỉnh cho phép trồng khảo nghiệm, toàn bộ diện tích trồng Sachi khác đều nằm ngoài quy hoạch. Việc phát triển ra diện rộng là chưa đủ điều kiện, chưa có cơ sở để tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất Sachi tại Tây Nguyên. UBND tỉnh cũng đã có hướng chỉ đạo tiếp theo, nếu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, các công ty, doanh nghiệp muốn phát triển một cách bền vững, lâu dài thì phải xây dựng dự án đầu tư, liên kết với người dân.
     Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Chư Sê khuyến cáo: Hiện nay, có một số công ty tổ chức ký kết với nông dân để trồng cây Sachi. Tuy nhiên, trước khi có quyết định công nhận Sachi là cây trồng phù hợp trên địa bàn Tây Nguyên thì người dân nên hạn chế phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, khi ký kết với các công ty này thì cần có những cam kết chặt chẽ về quyền lợi, trách nhiệm của công ty, thông qua xác nhận của chính quyền địa phương để có cơ sở pháp lý ràng buộc, nếu có vấn đề gì xảy ra thì chính quyền địa phương mới có thể hỗ trợ cho người nông dân.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang