CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Sê

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Sê

29/12/2017

Huyện Chư Sê gồm 15 đơn vị hành chính gồm 14 xã và 01 thị trấn; với 26.895 hộ, 115.240 khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số 11.797 hộ chiếm 43,9%; toàn huyện có 123/183 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Có 123 người được bình bầu là người có uy tín trong 123 làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của huyện Chư Sê luôn quan tâm và tranh thủ người có uy tín để cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương nhằm làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín tham gia vào các hoạt động của địa phương, giám sát các chương trình, dự án; qua đó đã thể hiện vai trò gương mẫu, tiên phong trong việc vận động quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự cố gắng và nhiệt huyết, tận tình của mình. Những năm qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động cộng đồng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương; bằng uy tín của mình, những người có uy tín đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, vận động bà con xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, không theo đạo trái quy định, hiến đất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần  giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Bên cạnh đó, người có uy tín vừa là tấm gương và luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, vận động đồng bào dân tộc ở các thôn, làng, tổ chức lại sản xuất, cải tạo vườn tạp, tăng diện tích cây trồng, hiến đất làm đường giao thông... Nhiều gia đình người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những cho gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu.Tiêu biểu như ông Rah Lan  Yớp làng Pan xã Dun, ông vận động bà con trong làng đào kênh mương dẫn nước từ suối Ia Pết về làng làm ruộng đông xuân với chiều dài 2km kênh mương. Gia đình ông có 1ha lúa nước 2 vụ, 700 cây cà phê, 7 con bò sinh sản; trừ chi phí gia đình ông thu trên 100 triệu đồng/năm; Hộ gia đình ông Ông Rah Lan Noal làng Yon xã IaGlai là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, ông giúp đỡ cho 2 hộ nghèo trong làng vay với số tiền 10 triệu đồng và hỗ trợ giống dây tiêu cho 2 hộ nghèo, gia đình ông có 1.700 cây cà phê kinh doanh, 600 trụ tiêu, 5 sào lúa nước 2 vu, 3 con bò thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt 300 triệu đồng; hộ ông Siu Blăn, trưởng ban CTMT làng Hố Lâm xã Chư Pơng, bản thân và gia đình ông luôn tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chăn nuôi; gia đình ông có 2ha cà phê, 1000 trụ tiêu, 10 con bò, đào ao thả cá, trồng rau sạch phục vụ cho gia đình, hàng năm  thu nhập 150 triệu đồng. Ngoài ra ông còn cho 3 hộ khó khăn vay với số tiền 13 triệu đồng không lấy lãi. Cùng với đó, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tại địa phương, tham gia đầy đủ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII và HĐND các cấp; vận động người có trình độ tham gia vào các hệ thống chính trị các cấp. Bên cạnh đó người có uy tín vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, tuyên truyền vận động nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội không nghe, không làm theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu; không truyền đạo trái pháp luật, gây rối trật tự xã hội, nhất là các thủ đoạn tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức phản động tiêu biểu như ông Siu Dâu trưởng BCTMT làng Tào Roòng xã IaPal; hộ ông Đinh Hoh làng Puih xã Bờ Ngoong, bản thân ông là Bí thư Chi bộ dám mạnh dạn đấu tranh  với các đối tượng liên quan đến hoạt động Fulrô ra kiểm điểm trước dân... góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội  tại cơ sở.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều mô hình điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc đã được hình thành và phát triển, người có uy tín đã đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc như các lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội Pơ thi; lễ hội Cồng chiêng tại làng Greo Sek xã Dun; làng Ó xã Kông Htok. Trong đó một số cá nhân tiêu biểu trong phong trào giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như: già làng Rơ Lan Hào làng Hăng Ring thị trấn Chư Sê có nhiều đóng góp trong việc khôi phục đội Cồng chiêng của làng, đồng thời ông cũng đã tập hợp các cháu thiếu niên trong làng để dạy các cháu đánh Cồng chiêng; già làng Siu Chôl, làng Tai Glai, xã IaKo đã hơn 25 năm làm già làng. Bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của làng, của xã, tham gia bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa mang đậm âm hưởng rất riêng của cộng đồng. Nhằm giữ gìn nét đẹp truyền thống của tổ tiên xưa để lại, hàng ngày ông chăm chút, giữ gìn, bảo quản các bộ cồng chiêng, các loại nhạc cụ của người Jrai. Chính vì thế, ông luôn vận động bà con trong làng, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn từng cách đánh chiêng, từng tập tục, lễ hội của làng để trong những ngày hội lớn tiếng cồng, tiếng chiêng lại được ngân lên.
Vai trò của những người có uy tín là một trong những mấu chốt thành công của công cuộc vận động xây dựng quê hương đất nước, xây dựng thôn, làng văn minh xanh sạch đẹp, vận động nhân dân với phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm xây dựng lớp mẫu giáo, đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, đã xuất hiện nhiều gương người có uy tín hiến đất để mở đường như: hộ ông Rmah Bo làng Dun Bêu thị trấn Chư Sê là hộ nông dân SXKD giỏi hàng năm thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm, gia đình ông còn hiến 144m2 đất vườn để xây dựng trường học. Bản thân ông  luôn gương mẫu trong các phong trào của làng, vận động các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, ăn chín, uống sôi, ngủ có mùng, mền, đau ốm đi đến bệnh viện, vận động bà con làm kinh tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, bố trí vật nuôi phù hợp để đưa năng suất cây trồng vật nuôi, tăng năng suất giá trị cao để xoá đói giảm nghèo, tăng hộ khá, hộ có thu nhập cao và tiến tới không còn hộ nghèo.
Trong thời gian tới huyện Chư Sê sẽ tiếp tục tục phát huy vai trò của người có uy tín, nhằm góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa người kinh với người dân tộc thiểu số, giữa người dân tộc thiểu số với nhau, phấn đấu cùng xây dựng huyện Chư Sê ngày càng giàu đẹp.
                                                                                       Kiều Hưng
 
          

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang