CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư Sê- Những kết quả bước đầu

Xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư Sê- Những kết quả bước đầu

26/03/2021

     Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình lâu dài của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển toàn diện về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được cụ thể hóa thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn huyện, đồng thời có cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương là xây dựng các làng ĐBDTTS thành các khu dân cư có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; có hàng rào, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường... gìn giữ được bản sắc của làng ĐBDTTS vùng Tây Nguyên; thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong ĐBDTTS và các văn bản hướng dẫn, trên cơ sở thực tế của địa phương; huyện đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 về Bộ tiêu chí Làng nông thôn mới trong ĐBDTTS giai đoạn 2018-2020 để làm căn cứ thực hiện. Đầu tiên triển khai xây dựng 02 làng Kpaih, xã Ayun và Kte 1, xã H Bông để xây dựng làng điểm về nông thôn mới (năm 2018) và phê duyệt danh sách 15 làng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (mỗi xã, thị trấn 01 làng năm 2019). Trước hết ưu tiên lựa chọn làng cơ bản đã định canh, định cư để làng có cơ hội tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, liên kết doanh nghiệp; làng có nhiều giá trị bản sắc văn hóa, giá trị về kiến trúc bản địa để xây dựng làng NTM kết hợp với phát triển du lịch nhằm tăng thu nhập cho người dân và giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng NTM.
     Huyện Chư Sê đang tích cực triển khai xây dựng mô hình “Làng nông thôn mới trong vùng ĐBDTTS” phù hợp với đặc thù địa phương, tạo ra những chuyển biến tích cực cho diện mạo nông thôn vùng núi, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các làng đăng ký đạt chuẩn NTM đã được ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Trong các kế hoạch, đề án triển khai của các địa phương đã xác định phương án xây dựng khu dân cư, lộ trình và giải pháp lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện. Từ nhiều nguồn vốn đầu tư, phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng; việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng ĐBDTTS đã có những chuyển biến tích cực: Tình hình đời sống của ĐBDTTS đã có nhiều cải thiện; nhiều hộ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế. Bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ và khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư. Giao thông, thủy lợi được cải tạo, tu bổ, xây dựng, phục vụ đi lại, sản xuất cho người dân, bảo đảm sử dụng điện an toàn và mỹ quan nông thôn. Nhiều gia đình trong làng đã được hỗ trợ xây dựng mới, xóa nhà tạm, chỉnh trang, sửa chữa. Kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung vào tập huấn cho lao động, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thực hiện mô hình, hỗ trợ cây trồng, con giống cho người dân... Trong các làng đều có cán bộ y tế cơ sở có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân… Sinh hoạt, tập quán của người dân trong làng từng bước được thay đổi theo hướng văn minh, đặc biệt là tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà; môi trường từng bước được cải tạo xanh sạch. Nhiều hộ tự làm hàng rào trước nhà, xung quang nhà, di dời chuồng trại chăn nuôi ra sau nhà, tự đào hố thu gom rác thải, không vứt rác bừa bãi, môi trường từng bước được cải tạo sạch sẽ, ngăn nắp; nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung tại các làng, hỗ trợ nhiều công trình cấp nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh... Các hủ tục cùng với các tập quán lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt dần được xóa bỏ; những bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp được giữ gìn và phát huy. An ninh, trật tự trong làng được giữ ổn định, các hộ gia đình trong làng đều được tiếp cận, phổ biến các thông tin quy định về pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không để phát sinh tình trạng tảo hôn.
     Một trong những tác động lớn của việc xây dựng làng NTM là góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức của người dân; từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng NTM và trở thành phong trào sâu rộng trong làng; từ đó huy động được nguồn lực từ người dân đóng góp cho xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐBDTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà ở, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm, xử lý rác thải, công trình vệ sinh, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, những kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức sản xuất, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... về cơ bản đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương vùng ĐBDTTS.


Người dân làng Thoong Nha, xã Bờ Ngoong góp công sức
làm đường giao thông nông thôn (Ảnh: T.D)
     Đến nay qua hơn 2 năm từ khi triển khai thực hiện, hiện có 11 làng ĐBDTTS đang triển khai hoàn thiện các tiêu chí để tổ chức thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, xét công nhận. Cùng với đó, huyện đã nỗ lực tập trung huy động được nhiều nguồn kinh phí để thực hiện chương trình NTM; trong năm 2020, tổng kinh phí các địa phương đã huy động để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới là 465.636,2 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 75.309,32 triệu đồng; Vốn lồng ghép: 37.484,0 triệu đồng; Vốn tín dụng: 338.543,35 triệu đồng; Vốn doanh nghiệp và các tổ chức: 1.138,0 triệu đồng; Vốn nhân dân đóng góp: 13.161,5 triệu đồng.
     Tuy nhiên, bên cạnh đó đời sống người dân làng ĐBDTTS trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn; nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế cũng như tổ chức cuộc sống gia đình còn nhiều hạn chế. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là trong vùng ĐBDTS còn thấp so với nhu cầu thực tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường, quy hoạch thôn, làng chưa đồng bộ. Quá trình triển khai thực hiện chương trình ở một số xã còn chậm, chưa có giải pháp tốt và sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Nguyên nhân của hạn chế trên là do một bộ phận người dân vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; trình độ dân trí còn thấp, ít có khả năng tiếp cận khoa học - công nghệ để ứng dụng vào sản xuất; công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế; nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng làng nông thôn mới còn thiếu...
     Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình theo hướng bền vững và hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người dân trong các làng ĐBDTTS. Thực hiện tích cực hơn cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐBDTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng làng nông thôn mới trong vùng ĐBDTTS. Tăng cường sự phối hợp của các phòng, ban chuyên môn, phối hợp tích cực với địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở làng, như trưởng thôn, làng, người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể ở thôn, làng, người có uy tín trong cộng đồng. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn xã, nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp tập trung xây dựng làng nông thôn mới; tích cực giúp đỡ nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện xây dựng làng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn huyện trong phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Huy động sức mạnh toàn dân và huy động mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới./.
    Lê Loan       

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang