CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường lãnh đạo

Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường lãnh đạo để phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn huyện Chư Sê

08/06/2018

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng,Thông tri số 16-TT/TU, ngày 21/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc“tăng cường lãnh đạo để phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, sau 10 năm thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Tầm quan trọng và hiệu quả của phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp đông y đối với công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên một bước rõ rệt. Hoạt động khám chữa bệnh bằng đông y đã có những bước tiến từ tuyến xã đến tuyến huyện. Đến cuối năm 2017, có 12.366 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, trong đó tuyến xã có 4.067 lượt; 10/14 Trạm y tế xã có vườn thuốc nam mẫu.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ và sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sự nghiệp y tế nói chung và nền y học cổ truyền nói riêng đã được tạo điều kiện để phát triển. Đặc biệt, Uỷ ban nhân dân huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Y tế huyện tuyển dụng, đào tạo nhân lực có trình độ đông y, mở phòng khám đông y, kê thêm giường bệnh thực hiện khám, bốc thuốc, bấm huyệt, châm cứu, … điều trị đông - tây y kết hợp cho bệnh nhân. Đồng thời có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc đông y tại địa phương, khuyến khích nhân dân trồng cây dược liệu,….
Các cơ quan chức năng: Phòng Y tế,  Trung tâm Y tế huyện chủ động lên kế hoạch thực hiện và hướng dẫn cơ sở triển khai theo chức năng nhiệm vụ được giao. Mặt trận Tổ quốc & các đoàn thể chính trị - xã hội, Phòng Văn hoá - Thông tin, Đài truyền thanh - truyền hình huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y học cổ truyền và hiệu quả của phương pháp đông - tây y kết hợp đối với công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Trong 10 năm qua, mạng lưới đông y trên địa bàn huyện được kiện toàn và củng cố, từng bước khắc phục khó khăn về điều kiện hoạt động, bước đầu đạt được những kết quả nhất định góp phần cải thiện tình hình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Ở tuyến huyện: Trung tâm y tế huyện Chư Sê đã có 03 y sỹ, 01 Bác sỹ đông y, bố trí 05 giường bệnh và 01 phòng khám đông y, thuốc, trang thiết bị phục vụ cho điều trị bước đầu được trang bị đảm bảo thực hiện khám, chữa bệnh bằng phương pháp đông y hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, điều trị cho nhân dân, góp phần quan trọng trong việc củng cố hệ thống y học cổ truyền. Ở tuyến xã: có 14/14 Trạm y tế xã, có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoạt động về đông y, trong đó có 02 y sỹ y học cổ truyền có khả năng châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... trên địa bàn huyện đã có 07 cơ sở khám chữa bệnh  đông y hoạt động có có hiệu quả. Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền ngày càng cao của nhân dân, trong 10 năm qua, huyện đã chỉ đạo và tăng cường hỗ trợ bổ sung đầu tư trang thiết bị y tế cho Trung tâm y tế huyện, trong đó có nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và điều trị đông y như: 10 máy điện châm, 05 đèn hồng ngoại, 01 máy song ngắn, 01 máy điện trường, 05 giường châm cứu, xoa bóp, 01 dụng cụ hấp sấy, 04 ấm sắc thuốc và một số dụng cụ sắc thuốc, bốc thuốc… Các trang thiết bị đó đều được sử dụng hiệu quả, trợ giúp đắc lực cho đội ngũ y, bác sỹ đông y trong chuyên môn, đồng thời giúp cho nhân dân địa phương được tiếp cận ngày càng nhiều dịch vụ điều trị bệnh và chăm sóc sức khoẻ.
 Xác định rõ việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác đông y, nhằm thừa kế và phát huy hiệu quả nền y học cổ truyền của dân tộc từ ngàn đời nay; đồng thời trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn, trong sáng về y đức, thể hiện được bản sắc văn hoá Việt Nam. Ban Thường vụ Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành y tế huyện thường xuyên quan tâm cử cán bộ y tế (đặc biệt là cán bộ y tế các trạm y tế xã, thị trấn) đi đào tạo và đào tạo lại để bổ sung kiến thức chuyên môn về y học cổ truyền, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đông y cho y sỹ tại các trạm y tế xã, thị trấn nhằm nâng cao tay nghề, đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở. Hiện tại đã có 14/14 trạm y tế xã có y sỹ đông y hoặc cán bộ đông y kiêm nhiệm.
Cùng với lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, Sở y tế, Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo Trung tâm y tế huyện phấn đấu mỗi năm xây dựng được 1-2 vườn thuốc Nam mẫu tại Trạm y tế xã, vận động nhân dân nhân rộng mô hình, tự trồng cây thuốc Nam trong vườn nhà để sử dụng phòng và chữa các bệnh thường gặp. Đến cuối năm 2017 đã có 10/14 Trạm y tế xã có vườn thuốc nam mẫu. Từ vườn thuốc Nam mẫu tại trạm y tế xã, các cán bộ y tế cùng với chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn người dân tự làm vườn thuốc Nam, trồng các loại cây thuốc dễ kiếm được xung quanh vườn nhà, ruộng, rẫy để sử dụng khi cần; cán bộ y tế hướng dẫn cách trồng, chăm sóc mà nhiều hộ dân đã tự trồng được nhiều cây thuốc trong vườn nhà. Một số loại vừa làm cây cảnh vừa hái lá làm thuốc sắc uống chữa bệnh.
Cùng với việc xây dựng và phát huy hiệu quả vườn thuốc Nam trong phòng và điều trị bệnh, Trung tâm Y tế huyện đang triển khai áp dụng châm cứu tại các trạm y tế xã. Việc nhân rộng mô hình vườn thuốc Nam và áp dụng y học cổ truyền vào khám-chữa bệnh ở huyện đang là hướng đi đúng góp phần phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian có giá trị, bảo tồn các giống cây thuốc quý của dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y và việc thành lập Hội đông y của huyện còn một số khó khăn như: Cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương chưa tập trung quan tâm, đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát về phát triển nền đông y. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa cao. Ngành y tế huyện chưa tham mưu tích cực về lĩnh vực y học cổ truyền của địa phương cho các cấp uỷ đảng, chính quyền nên việc triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” của Ban Bí thư Trung ương Đảng còn một số bất cập từ tuyến huyện đến cơ sở. Công tác phối hợp triển khai xã hội hóa công tác y học cổ truyền còn nhiều khó khăn; việc sưu tầm, khai thác, kế thừa vốn quý của đông y và phổ biến những bài thuốc dân gian có giá trị trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực hiện được. 
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng,Thông tri số 16-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc“tăng cường lãnh đạo để phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc phát triển nền đông y vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. 
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về công tác đông y và Hội Đông y. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của y, dược học cổ truyền trong khám chữa bệnh và chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ba là, xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Đông y từ huyện đến cơ sở. Ngành y tế huyện hỗ trợ Ban vận động thành lập Hội Đông y huyện tiến hành lộ trình thành lập Hội đông y của huyện (trong năm 2018). Tăng cường công tác phát triển hội viên và thành lập các chi hội đông y tại Thị trấn Chư Sê. Tổ chức thành lập chi hội đông y tại Khoa Nội - y học cổ truyền thuộc Trung tâm y tế huyện. Đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng hoạt động công tác hội, tạo môi trường trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các hội viên. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực và phẩm chất của người thầy thuốc đông y, tâm huyết phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đông y, nhất là tại bộ phận Đông y Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở đông y tư nhân; khuyến khích hình thành và nhân rộng các mô hình kết hợp đông - tây y trong phòng, khám chữa bệnh.
Năm là, phát triển mô hình vườn thuốc nam mẫu tại Trạm y tế xã. Tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền. Phát huy phương pháp chữa bệnh bằng đông y tại các cơ sở y tế huyện, xã, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại cây thuốc tại các vườn thuốc nam của trạm y tế xã để phục vụ việc chữa trị một số bệnh thông thường;.; vận động, khuyến khích nhân dân nuôi, trồng và sử dụng các cây thuốc nam hiện có tại địa phương làm thuốc chữa bệnh, trồng cây thuốc theo hướng “cây vừa làm cảnh, vừa làm rau đồng thời để làm thuốc” tại vườn nhà. Khuyến khích nhân dân trồng các loại cây dược liệu quý theo hướng hàng hóa như: sa nhân, hoài sơn, bạch hoa xà, sà hồ, nha đảm tử, cà gai leo, diệp hà châu, hương phụ, ...
Sáu là, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh thuốc đông y và phát triển vùng dược liệu trên địa bàn huyện.
Bảy là, tăng cường đào tạo nhân lực ngành y dược học cổ truyền. Trao đổi kinh nghiệp về công tác phát triển y học cổ truyền giữa ngành y tế huyện với Hội đông y tỉnh. Tiếp tục tăng cường củng cố và nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đông y, đặc biệt cần chú trọng đến cán bộ là người dân tộc thiểu số để phục vụ lâu dài tại địa phương.
                                                                           Phương Lê
 
 
 
 
 
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang