Ngày 17-3-1975, tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng. Đây là thành quả của những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh, thử thách của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà cùng với quân và dân cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất của thực dân, đế quốc.
Gia Lai cùng với Kon Tum là 2 tỉnh giữ vị trí trọng yếu trong thế phòng thủ chiến lược thuộc Vùng 2 chiến thuật của địch nhằm ngăn chặn hướng tiến công của quân đội từ miền Bắc, tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng ở Tây Nguyên.
Quân đội ngụy quyền Sài Gòn rút chạy khỏi Pleiku (ảnh sggp.org.vn)
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 8-1-1975, Quân ủy Trung ương triển khai bước 1 kế hoạch tác chiến chiến lược, trọng tâm là chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 4-3, chiến dịch Tây Nguyên mở màn, trưa ngày 10-3, Ban Mê Thuột giải phóng. Tổ chức tái chiếm Ban Mê Thuột không thành, đường 19 và đường 21 bị Quân giải phóng chia cắt, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút quân khỏi Kon Tum và Pleiku về vùng duyên hải miền Trung qua đường số 7. Rạng sáng 15-3-1975, quân đội ngụy quyền Sài Gòn bắt đầu cuộc rút quân, theo kế hoạch là “một cuộc hành quân bí mật và gây bất ngờ cho Quân giải phóng”, trên thực tế đã biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn.
Dự kiến tình huống địch rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương chỉ thị các đơn vị chuẩn bị phương án đánh địch rút chạy. Ngày 16-3, chủ lực Quân giải phóng truy kích, phối hợp với bộ đội địa phương đánh chặn, tiêu diệt địch ở Phú Bổn và Củng Sơn. Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo lực lượng vũ trang tại chỗ chớp thời cơ, phối hợp với bộ đội tiêu diệt địch, giải phóng quê hương. Trưa ngày 17-3, bộ đội tỉnh Gia Lai tiến vào thị xã Pleiku. Tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng.
Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 18-3-1975 Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trước mắt, diệt ngay Quân đoàn 1 của địch, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn. 25-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.
Như vậy,có thể khẳng định rằng với việc giải phóng tỉnh Gia Lai không chỉ có ý nghĩa đối với toàn thể Nhân dân trong toàn tỉnh mà nó còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Qua đó, góp phần đẩy mạnh thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên để cùng với chiến dịch Huế- Đà Nẵng tạo thành những động lực quan trọng thúc đẩy chiến dịch Hồ Chí Mính lịch sử đem đến sự toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 góp phần thống nhất đất nước đưa non sông thu về một mối cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ban Tuyên giáo tổng hợp