CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Một đời gắn bó với nghề đan gùi

Một đời gắn bó với nghề đan gùi

29/09/2017

Cứ mỗi lúc có thời gian rảnh rỗi không đi lên nương rẫy già Siu Tuyết, làng Vel, xã Ia Ko( huyện Chư Sê) lại bắt tay vào đan gùi. Với già nghề đan gùi không chỉ thỏa mãn niềm đam mê mà còn là cách để góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai.
Người đồng bào Jrai đang làm ăn và sinh sống ở Tây Nguyên luôn xem chiếc gùi là một báu vật không thể tách rời trong mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Với họ, khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bazan đầy nắng và gió này luôn hiểu được những giá trị truyền thống của tổ tiên để lại. Ngay từ lúc còn nhỏ những cậu bé người Jrai được bố mẹ truyền dạy lại cách đan các vật dụng sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, trong đó nghề đan gùi được xem như một môn học bắt buộc. Người Jrai luôn quan niệm rằng con gái khi lớn lên phải biết dệt, thêu, hát dân ca và múa…. còn con trai không chỉ giỏi săn, bắn và mà còn thạo đan lát các loại gùi, giỏ….đây chính là những đặc điểm để nói lên được tính cách của con người.

Già Siu Tuyết người dành trọn cả cuộc đời với nghề đan gùi truyền thống của đồng bào Jrai
Phát huy những giá trị mà cha ông để lại, ngay từ lúc còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy bố đi vào rừng chặt cây lồ ô, cây mây về phơi trước sân nhà, già Siu Tuyết đã tò mò với việc vót nan, rồi hỏi bố về cách đan gùi và cũng không biết bao nhiêu mùa rẫy già Tuyết đã nắm bắt toàn bộ quy trình để tạo nên một chiếc gùi truyền thống đẹp với nhiều kiểu dáng và hoa văn đẹp.
Theo già Siu Tuyết: “Muốn có một chiếc gùi đẹp và bền thì yếu tố quan trọng nhất chính là việc chọn cây lồ ô, sau đó đến công đoạn vót nan, phơi nan. Khi vót sợi nan phải vót đều tay và có một độ cong vừa phải không quá mỏng hoặc dày thì khi bắt tay vào đan sẽ giúp cho người đan uốn lượn mà không sợ bị gập khúc, gùi to thường đan 4-5 ngày, còn gùi nhỏ 2-3 ngày là hoàn thiện tất cả công đoạn.”
Nghề đan gùi nét văn hóa có từ lâu đời và gắn bó mật thiết trong cuộc sống thường ngày của người Jrai. Tùy theo mục đích sử dụng vào những công việc gì mà có người đan gùi sáng tạo ra mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Để hoàn thiện một chiếc gùi đẹp và chắc chắn thì phải đảm bảo các bộ phận chính như: đế gùi, thân, dây đeo……Riêng phần đế gùi thường được làm từ cây mức đây là một loại cây thân gỗ dẻo nên rất thuận tiện trong quá trình uốn vuông góc đế gùi. Mục đích làm đế gùi là nhằm giữ thăng bằng và thuận tiện trong quá trình di chuyển. Còn phần thân gùi thì cần một đôi bàn tay khéo léo kết hợp từng động tác uyển chuyển trong quá trình đan và chỉnh cho khớp nhau sẽ làm cho thân gùi không bị cong và thô.
Những chiếc gùi do chính tay già Tuyết đan với kiểu dáng, hoa văn đẹp
Đan gùi khó nhất là tạo đế, thân gùi bởi vì đây là hai yếu tố quyết định đến chiếc gùi đó chắc, bền hay không. Tiếp đến là công đoạn kết hoa văn, bởi vì muốn làm được hoa văn đòi hỏi người làm phải biết cách chọn những sợi mây thật dẻo sau đó vót cho thật đều và mang đi sơn với các màu xanh, đỏ, đen…..kết lên thân gùi được.  – già Siu Tuyết cho biết thêm.
Theo một số người có kinh nghiệm đan gùi lâu năm làng Vel cho biết: “ Hiện nay số người biết đan gùi trong làng chỉ còn có hơn 10 người chủ yếu là người già. Còn thanh niên thì hình như không ai mặn mà lắm với nghề này, mặc dù một số người cao tuổi trong làng có truyền dạy nhưng số người theo học cũng đếm trên đầu ngón tay”.
Để nghề đan gùi của đồng bào Jrai không bị mai một, hơn lúc nào hết rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng trong công tác quản lý văn hóa nhằm tìm ra các chính sách để khuyến khích các bạn trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số có lòng đam mê và theo học nghề truyền thống  này góp phần làm phong phú các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của dân tộc.
Bài, ảnh: HUY HOÀNG

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang