Những kết quả đạt được của sự nghiệp giáo dục huyện Chư Sê sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
04/07/2018
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”,sau 05 năm thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hành đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho huyện.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo ngành Giáo dục&Đào tạo huyện xây dựng phương hướng, nhiệm vụ chuyên môn từng năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và khả năng học tập của học sinh, đảm bảo khung thời gian năm học. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt, tăng cường dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh.
Quy mô trường lớp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đến nay toàn huyện có 53 trường công lập với 948 lớp và 27.367 học sinh. Cụ thể: Bậc học Mầm non có 16 trường với 165 lớp và 4.916 học sinh. Bậc Tiểu học có 20 trường với 559 lớp và 13.938 học sinh. Bậc THCS có 17 trường với 224 lớp và 8.513 học sinh.
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, Uỷ ban nhân nhân huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng giáo viên ở nhiều trình độ và phương thức đào tạo phù hợp với năng lực của giáo viên. Đến nay, 100% giáo viên dạy Tiếng Anh đều đạt chuẩn và trên chuẩn so với quy định; thực hiện dạy học thí điểm chương trình Tiếng Anh mới cho học sinh tại hai trường THCS Chu Văn An và THCS Nguyễn Khuyến. Bước đầu, mô hình này đã mang lại những kết quả tích cực như: tạo hứng thú cho học sinh cũng như giáo viên dạy Tiếng Anh, rèn luyện các kỹ năng học ngoại ngữ cho học sinh hiệu quả hơn...Ngành Giáo dục huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các trường tiếp tục thực hiện đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá học sinh gắn liền với đổi mới phương pháp giảng dạy theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; thể hiện tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực học sinh, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra, thi cử. Vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá như đánh giá bằng điểm số kết hợp với đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh, khuyến khích việc học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Thực hiện đổi mới khâu ra đề kiểm tra: xây dựng ma trận đề cụ thể, hạn chế khả năng tái hiện kiến thức một cách máy móc, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, đặc biệt là ở các môn khoa học xã hội, chú trọng hệ thống câu hỏi mở để phát huy năng lực và sự sáng tạo của học sinh.
Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục của huyện đạt được nhiều kết quả đáng biểu dương. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ huyện đến cơ sở đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và các nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ như sau: Đến năm 2017 tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, đạt chuẩn xóa mù mức độ 1.
Trong 05 năm qua huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện. Phát triển giáo dục thường xuyên, tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, bước đầu hình thành xã hội học tập. Mở rộng và phát triển các cơ sở giáo dục nghề, giáo dục thường xuyên để tiếp nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học một số nghề và có thể tiếp tục học lên trình độ cao hơn khi có điều kiện.
Công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp: Có 17/17 trường trung học cơ sở đã đưa giáo dục hướng nghiệp vào dạy học với thời lượng 01 tiết/lớp/tháng. Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, giúp các em có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân.
Công tác xã hội hóa giáo dục của huyện được chú trọng quan tâm: trong 05 năm qua, việc xây dựng cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn huyện từ trường lớp mẫu giáo cho đến THPT ngày càng được khang trang, sạch đẹp, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh môi trường không còn nơi nào thiếu phòng học. Kết quả vận động có 11 hộ hiến 8.860m2 đất để làm trường mẫu giáo ở xã IaTiêm và xã Chư Pơng; các trường học trên địa bàn huyện huy động được 9.500 triệu.
Việc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài: Hội khuyến học huyện cùng với Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều hình thức và cách làm hay trong công tác vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện đóng góp bằng tiền và hiện vật vào quỹ khuyến học, khuyến tài của huyện hội và các xã, thị trấn. Quỹ khuyến học huyện hiện có 212.978.000 đồng. Quỹ khuyến học các xã, thị trấn, các trường THPT có 767.848.000 đồng. Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ bằng tiền và hiện vật cho hội khuyến học cơ sở và trường học: 637.700.000 đồng, 120 chiếc xe đạp, 21.280 quyển vở, 630 cái cặp, 500 đầu sách giáo khoa và 3.240 suất quà.
Việc xây dựng, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng: Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, thị trấn nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc hệ thống giáo dục không chính quy dành cho người lớn song song với giáo dục chính quy “trong nhà trường” do ngành giáo dục trực tiếp quản lý. Hội khuyến học các cấp, nhất là ở cơ sở có trách nhiệm làm nòng cốt trong xây dựng thành lập trung tâm, vận động người dạy, người học nhằm duy trì phát huy hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng. Sau 05 năm hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng đã đạt những kết quả đáng khích lệ: mở được nhiều lớp, bằng nhiều hình thức khác nhau, địa điểm và thời gian khác nhau “cần gì học nấy” tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc cây trồng, sửa chữa điện, máy nổ, xây dựng dân dụng, tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, pháp luật cho 29.150 lượt người góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả như: xã Ia Blang, xã Ia Glai, thị trấn Chư Sê, xã Dun, xã AlBă, xã Ia Tiêm.
Công tác thi đua khen thưởng: ngành Giáo dục huyện đã triển khai xuyên suốt các phong trào thi đua của ngành như phong trào: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học” phong trào “Dạy tốt - học tốt” ….trở thành nhiệm vụ thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện làm tốt công tác phát động tổ chức các phong trào thi đua; tổ chức các Hội thi Văn nghệ: Tiếng hát giáo viên, Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng, Hội thi Bóng chuyền cho Nữ Công nhân viên chức toàn ngành; tổ chức Hội khỏe phù đổng; tham gia Đại hội thể dục thể thao các cấp …. Hội thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi; Tổ chức các sân chơi ngoại khóa cho các em học sinh; tổ chức các Kỳ thi tuyển Học sinh giỏi, Hội thi Chỉ huy Đội giỏi... Cụ thể, kết quả trong 05 năm như sau:
Về tập thể: Có 16 lượt đơn vị được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; 30 lượt đơn vị được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc của UBND tỉnh; 35 lượt đơn vị được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục - Đào tạo; 150 lượt đơn vị được tặng danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến của UBND huyện.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên có 10 lượt cá nhân được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 30 lượt cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục - Đào tạo; mỗi năm có trên 1.000 cá nhân được tặng danh hiệu Lao động tiên tiến và trên 150 cá nhân được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Về học sinh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 tham gia cấp tỉnh. Năm học 2014-2015 đạt 51 giải: trong đó 05 giải Nhì; 17 giải Ba; 29 giải Khuyến khích. Năm học 2015-2016 đạt 52 giải: trong đó 03 giải Nhất; 08 giải Nhì; 15 giải Ba; 26 giải Khuyến khích, đạt giải Nhất toàn đoàn. Năm học 2016-2017 đạt 55 giải: trong đó 01 giải Nhất; 10 giải Nhì; 14 giải Ba; 30 giải Khuyến khích, đạt giải Nhì toàn đoàn. Năm học 2017-2018 đạt 45 giải, trong đó: 02 giải Nhất; 06 giải Nhì; 15 giải Ba; 22 giải Khuyến khích; xếp nhì toàn đoàn. Có 01 em đạt giải “Cây bút triển vọng” trong cuộc thi viết thư UPU lần thứ 46 năm 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Thiếu niên tiền phong, hội Nhà văn Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chứng nhận.
Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Hiện nay, toàn ngành có 1.404 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó: Biên chế là 1.342 người, hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế 62 người. Cán bộ quản lý: 158 người, giáo viên: 1.078 người, nhân viên là 168 người; thiếu so với biên chế được giao là 64 người. Nhu cầu để tuyển dụng viên chức giáo viên năm học 2018-2019 là 170 người.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác giáo dục trên địa bàn huyện còn một số hạn chế: Công tác duy trì sĩ số ở một số trường chưa đạt chỉ tiêu so với nghị quyết năm học đề ra.Tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ ở các cấp học. Năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu. Đời sống giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục và đào tạo giữa các vùng còn chênh lệch khá lớn. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm so với yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Nguồn kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng còn ít chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng về lợi ích của học nghề nên chưa tham gia học nghề.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo: Nâng cao năng lực quản lý giáo dục, đào tạo, nhất là trong xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo. Thực hiện phân cấp quản lý giáo dục, đào tạo cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tạo.
Hai là, quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và phù hợp với yêu cầu mới của sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của huyện.
Ba là, tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo; phát triển hệ thống trường lớp học phù hợp với địa bàn dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội ở các xã, thị trấn trong huyện đáp ứng tốt nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân: Ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở những vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục năng khiếu, tài năng và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đầu tư ngân sách nhà nước có trọng điểm
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở các cơ sở giáo dục đào tạo.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đối với giáo dục đào tạo.
Phương Lê