CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Rơ Mah Ler người “giữ lửa” cho nghề dệt thổ cẩm

Rơ Mah Ler người “giữ lửa” cho nghề dệt thổ cẩm

09/08/2017

Nghề dệt thổ cẩm, nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời và là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Jrai. Với chị Rơ Mah Ler ( làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) thì nghề này đã ngấm sâu vào “máu thịt” của chị từ lúc còn nhỏ. Mặc dù một số chị em phụ nữ trong làng đã không còn mặn mà lắm với dệt thổ cẩm nhưng chị Ler vẫn còn “giữ lửa” và liên tục qua từng năm chị cho ra đời nhiều bộ trang phục như: áo, quần, khăn, váy….để phục vụ trong gia đình và cho bà con trong làng mượn mặc đi biểu diễn văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức.
Đến trước cổng làng văn hóa O Grưng hỏi nhà chị Rơ Mah Ler từ người già đến trẻ con ai cũng biết, bởi chị là người sở hữu cho riêng mình một bí quyết dệt thổ cẩm đẹp với những đường chỉ điêu luyện và nhất là kỹ thuật thêu hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm bằng những hình ảnh sinh động về cuộc sống đời thường của đồng bào Jrai nơi đây như: cây cối, nhà rông, con người….. Theo chị Ler “ Để học nghề dệt thổ cẩm này đòi hỏi người học cần có một quá trình rèn luyện lâu dài, không phải chuyện ngày một ngày hai là dệt được. Bởi khi mới bắt tay vào dệt người học phải siêng năng, cần cù, chịu khó và tuân thủ đầy đủ các bước trước khi dệt thì mới có một tấm thổ cẩm đẹp”.

Chị Rơ Mah Ler người có trên 33 năm kinh nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai.
Trước đây để có một tấm thổ cẩm đẹp, người dệt thường sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên chủ yếu là sợi bông, sợi lanh và cây nhuộm màu được hái trong rừng, qua quá trình pha chế bằng đôi bàn tay khéo léo người dệt đã tạo nên nhiều màu sắc khác nhau làm phong phú cho những tấm thổ cẩm. Ngày nay người dệt ít sử dụng sợi bông mà chủ yếu sử dụng sợi công nghiệp như len, tơ tằm với giá cả hợp túi tiền, chính từ những yếu tố này đã giúp cho người dệt tiết kiệm được nhiều công đoạn trong quá trình dệt và thêu mà chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng vẫn không thay đổi gì với chất liệu truyền thống.
`
Sản phẩm do chị Ler dệt ra với nhiều kiểu dáng, hoa văn đẹp
Chị Rơ Mah Ler cho biết: “Cơ duyên để mình yêu thích nghề dệt thổ cẩm này bắt nguồn từ mẹ và chị gái. Cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi nhất là những ngày không đi nương rẫy là mẹ và chị lại chỉ dạy cho mình cách dệt và thêu hoa văn truyền thống. Qúa trình học dệt mình thấy khó nhất là công đoạn thêu hoa văn, bởi vì nhiều họa tiết nên đòi hỏi người thêu cần có một sự tỉ mỉ và kiên nhẫn thì mới tạo ra một tấm thổ cẩm.”
Những họa tiết, hoa văn do chính tay chị Ler thêu trên từng tấm thổ cẩm
Từ thời xa xưa nghề dệt thổ cẩm đã ngấm sâu vào “máu thịt” của những người phụ nữ Jrai, bởi đây là yếu tố để nói lên một phần nào về tính cách của một người con gái khi trưởng thành. Phát huy những giá trị truyền thống mà cha ông để lại, ngay từ khi lên 12-13 tuổi chị Ler đã được mẹ và chị gái truyền lại các kỹ thuật về dệt. Qua một thời gian ngắn mày mò học dệt cô bé nhỏ xíu ngày ấy đã nắm bắt đầy đủ các bước để dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp. Hiện nay sản phẩm của chị dệt ra thường chủ yếu phục vụ cho bà con trong làng và những vùng lân cận.
Trước khi mình chưa lập gia đình, mình tham gia nhiều hoạt động phong trào văn hóa- văn nghệ do làng, xã tổ chức lắm, cứ mỗi lần đi thi hát, múa là mình tự tay kéo sợi và dành thời gian 3, 4 ngày dệt nên một tấm thổ cẩm để may áo mặc đi biểu diễn văn nghệ nhờ thế mà lúc nào mình cũng tự tin để biểu diễn và đạt được nhiều giải thưởng cao. Kể từ ngày lập gia đình mình không còn tham gia các hoạt động phong trào nữa. Những lúc không đi lên nương rẫy là mình ngồi dệt để may áo quần cho chồng, cho con cái trong gia đình và bán cho người dân trong làng. Ngoài ra trong làng mỗi khi có lễ hội mình thường cho bà con mượn áo quần truyền thống của dân tộc mình để mặc đi tham gia các hoạt động do làng, xã tổ chức. – chị Rơ Mah Ler cho biết thêm.
Theo một số người thành thạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong làng O Grưng cho biết: “hiện nay trong làng có trên 20 người biết dệt thổ cẩm bao gồm người già và thanh niên. Số người biết thêu hoa văn thì chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi đây là một công đoạn rất khó, chỉ có những người có đôi bàn tay điêu luyện và gọt giũa lâu năm thì mới có thể đảm nhận thêu những họa tiết khó như: nhà rông, người, cây cối, bông hoa…..Bên cạnh đó nhiều người biết dệt trong làng cũng thường xuyên chỉ dạy cho chị em phụ nữ, các cháu thanh niên về nghề dệt và thêu nhưng học được 3, 4 buổi là xin nghỉ, một phần là khó học, một phần là do công việc làm nương rẫy quá nhiều việc nên bà con không sắp xếp được thời gian để tham gia học.”
Mình thường xuyên vận động chị em trong làng tham gia học nghề dệt thổ cẩm nhưng ai cũng bảo nghề này khó học lắm. Có một số người thì thích học và đam mê, có người học được một, hai tháng rồi lại xin nghỉ. Còn các bạn thanh niên trong làng thì không mặn mà lắm với nghề dệt này, các cháu giờ không còn thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mà chỉ thích mặc áo quần hàng hiệu thôi. – chị Ler tâm sự.
Để bảo tồn và phát huy những văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Jrai, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Bởi hiện nay một số người biết dệt và thêu thổ cẩm ở các làng ngày càng già yếu. Đồng thời cần có một chính sách khuyến khích các bạn trẻ là người đồng bào Jrai tham gia học loại hình này. Qua đó góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa, đậm đà bản sắc của dân tộc.
            Bài, ảnh:  HUY HOÀNG
 
 
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang