Chư Sê: Tăng cường công tác quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại
29/03/2023
Theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 05 trường hợp người tử vong do bệnh Dại, 03 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 03 trường hợp người tử vong do bệnh Dại tại các huyện Kông Chro, Đức Cơ, Chư Sê
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do Gia Lai có tổng đàn chó lớn, tuy nhiên công tác quản lý chó nuôi còn lỏng lẻo, người nuôi chó không chấp hành tốt các quy định pháp luật, chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông; không có chuồng nuôi, xích dây, rõ mõm.... Việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó hàng năm đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu; người dân còn chủ quan khi bị chó, mèo cào, cắn, không chủ động khai báo và tiêm vắc xin Dại; Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm; Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh Dại mang lại hiệu quả chưa cao

Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm việc với UBND xã Chư Pơng về công tác phòng chống bệnh dại.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và đặc biệt để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu số người bị tử vong vì bệnh Dại, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các phòng ban, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 06/7/2022 về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn huyện Chư Sê giai đoạn 2022-2030, trong đó chú trọng một số nội dung như: Thường xuyên giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp động vật mắc, nghi mắc bệnh Dại; điều tra, ứng phó, xử lý ổ bệnh Dại; tổ chức phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn huyện theo quy định của Luật Thú y. Tổ chức thực hiện tốt công tác điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó, mèo cào, cắn, có nguy cơ nhiễm bệnh Dại nhưng chưa được tiêm vắc xin phải được điều trị dự phòng; giám sát bệnh Dại trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm chủ động trên người. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo với chính quyền cấp xã, thực hiện nuôi chó, mèo phải nhốt trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra ngoài phải được xích rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chó, mèo chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho chó, mèo nuôi; vận động người dân nhốt và khai báo khi phát hiện chó, mèo nuôi có biểu hiện bất thường (cào, cắn người...); khi bị chó, mèo cào, cắn cần chủ động đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn về phòng bệnh Dại trên người../.
Mỹ Đức