Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Chư Sê: Nông hội thật sự là điểm tựa của người nông dân

Chư Sê: Nông hội thật sự là điểm tựa của người nông dân

19/01/2021

Thời gian qua, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên hiệu quả hoạt động cũng như việc hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chưa nhiều, chưa mang tính ổn định. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tiến tới hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, đa dạng các loại hình phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, ngày 04/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản số 2824-CV/TU về việc triển khai thành lập mô hình “Nông hội” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi địa phương cần lựa chọn, xác định các loại hình sản xuất, kinh doanh; các làng nghề truyền thống; các loại hình dịch vụ, du lịch; nhất là các sản phẩm nông nghiệp là chủ lực, thế mạnh của địa phương, như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, mía đường, sắn, dược liệu, rau, quả để tập hợp, vận động người dân tham gia mô hình. Việc xây dựng mô hình “Nông hội” phải đảm bảo thực chất, bền vững, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tránh hình thức, chạy theo thành tích và phải mang lại lợi ích thực sự cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
     Nhằm triển khai thực hiện nội dung trên, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành văn bản số 777-CV/HU, ngày 18/9/2019 về việc triển khai thành lập mô hình “Nông hội” trên địa bàn huyện và chỉ đạo thực hiện. Đến nay tại địa phương, 02 Nông hội: Nông hội xã Ia Ko và Nông hội trồng cây ăn quả xã Ia Blang đã được thành lập và có những thành công bước đầu.
     “Nông hội” là thiết chế tự quản, tự nguyện của cộng đồng dân cư; tự lập, tự chủ hoạt động theo nguyên tắc "3 không", "3 tự", "3 cùng" (không nằm trong hệ thống chính trị tại địa phương, không được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, không trụ sở làm việc; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của “Nông hội”; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng) nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, có không gian để sinh hoạt, bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn; chia sẻ, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập; tham gia xây dựng nông thôn mới; đa dạng hoá loại hình tập hợp nhân dân, củng cố cơ sở chính trị của Đảng trong dân; khắc phục hành chính hoá trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là việc đổi mới nội dung hoạt động đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
     Thành lập từ ngày 22/11/2019, Nông hội xã Ia Ko là Nông hội đầu tiên của Huyện gồm 14 thành viên có chăn nuôi dê với tổng đàn dê khoảng 150 con. Nông hội đã đề ra những nhiệm vụ: xây dựng các thành viên trở thành hạt nhân tiêu biểu về hoạt động nông nghiệp tiến bộ, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; Nông hội trực tiếp liên kết với các đơn vị để tư vấn, hỗ trợ về: khoa học kỹ thuật, giúp cho các thành viên trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng, giảm giá thành trong sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và tổ chức xúc tiến liên kết trong chăn nuôi, cung cấp, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên; liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gắn với tạo thương hiệu dê của xã; Vận động các thành viên có điều kiện hỗ trợ, đóng góp về vật chất, tinh thần để giúp đỡ cho các thành viên trong Nông hội và xã hội. Đến nay Nông hội xã Ia Ko đã có 21 thành viên, kết nạp thêm 7 thành viên so với lúc thành lập với quy mô tổng đàn dê trên 200 con. Qua thời gian hoạt động đánh giá về những thành tựu mà Nông hội đã thực hiện, ông Phạm Xuân Anh Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ko cho biết: “Qua một quá trình hoạt động, Nông hội về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Thông qua các buổi sinh hoạt các thành viên đã truyền bá cho nhau những kiến thức, những kinh nghiệm đỡ đẻ cho dê, chăm sóc dê con ban đầu, nuôi vỗ béo dê thịt…, nhất là cách phòng ngừa dịch bệnh, hay những kinh nghiệm chữa bệnh cho dê bằng thuốc thú y cũng như cách chữa dân gian. Nhờ đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm áp dụng vào thực tế chăn nuôi dê của gia đình và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt giữa các hộ có sự trao đổi dê đực giống là một cách làm khoa học để tránh cận huyết gây thoái hóa giống. Khi các thành viên có nhu cầu bán con giống cũng như dê thịt, Nông hội chính là tổ chức giúp họ không bị thương lái ép giá vì giá cả luôn được các thành viên cập nhập hàng ngày nên việc buôn bán sẽ được giá hơn”.
 
 
Hình: Thành viên Nông hội xã Ia Ko chăm sóc đàn dê (ST).
     Ra đời sau Nông hội xã Ia Ko là Mô hình Nông hội "Trồng cây ăn quả" xã IaBlang ra mắt sáng ngày 11/8/2020 và sự tự nguyện tham gia của hơn 40 Hội viên Nông dân. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ diện tích tiêu già cỗi, chết, các hộ dân đã chủ động trồng các loại cây ăn trái: mít, bơ, sầu riêng. Đến nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã Ia Blang tương đối lớn và việc ra đời một Nông hội để các hộ dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra sản phẩm là việc làm cần thiết. Thành lập mới gần 2 tháng nhưng Nông hội đã kết nạp thêm 20 thành viên và có những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực: tổ chức tham quan mô hình trồng cây sầu riêng tại xã Ia Đreng huyện Chư Pưh nhằm học hỏi kinh nghiệm và hướng tới liên kết thành vùng sản xuất tìm thị trường đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm. Giúp các thành viên đáp ứng đủ các điều kiện: quy trình trồng bơ sạch theo hướng Việt Gap, có trên 50 cây bơ đang trong thời gian khai thác…, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty TNHH một thành viên khoáng sản Phúc Thiên. Đến nay đã có 26 bảng hợp đồng được ký kết giữa hộ dân và Công ty với giá thu mua 15.000đ/kg bơ. 
 

Hình: Lễ ra mắt Nông hội trồng cây ăn quả tại xã Ia Blang (ST).
     Mô hình Nông hội đạt được những thành công như vậy trước tiên đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự phối hợp triển khai của Hội nông dân, Ban dân vận Huyện ủy và sự sâu sát của Đảng ủy, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở. Cùng với đó là sự phối hợp của các ban ngành chức năng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của các Nông hội sau khi thành lập, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
     Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều Nông hội được thành lập trên địa bàn huyện để xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả... tạo tiền đề cho phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện trong chăn nuôi, trồng trọt; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, xứng đáng với niềm tin là điểm tựa của người nông dân./.
Uyên Ny



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.