Du lịch > BÀI TUYÊN TRUYỀN GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN

BÀI TUYÊN TRUYỀN GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN

24/03/2022

Các em thân mến!
Thực tế trong xã hội hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã và đang xảy ra, là một trong những vấn đề nóng của xã hội nói chung và địa phương xã Bar Măih nói riêng.
Như chúng ta đã biết! Công tác dân số là một bộ phận rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Nó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hoá, xã hội, góp phần quyết định sự phát triển bền vững.
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng dân số và cũng dành được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vấn đề dân số - nâng cao chất lượng dân số vẫn là một bài toán khó đòi hỏi các cấp, các ngành và cả cộng đồng cùng chung tay giải quyết. Ý thức được nhiệm vụ đó, trong nhiều năm qua, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn xã Bar Măih và đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Tuy nhiên, trong những năm qua tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn xã Bar Măih chúng ta, vẫn còn tồn tại, đặt ra nhiều thách thức đối với các thôn, làng tại địa phương.
Vậy tảo hôn là gì, kết hôn cận huyết thống là gì?
Tảo hôn là trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn (pháp luật Việt nam quy định nam đủ 20 tuổi trở lên, nữ đủ 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn).
Hôn nhân cận huyết thống: là hôn nhân nội tộc, chỉ những cặp hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc (họ hàng) bởi luật tục hoặc tập quán quy định có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ bố. Ví dụ: con anh trai lấy con em gái hoặc con chú họ lấy con em họ, con dì lấy con cậu,...
Thực tế đã chứng minh rằng, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập (trí tuệ kém phát triển), việc làm, giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Những đứa trẻ sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là một ví dụ, trẻ có thể bị biến dạng một số bộ phận trên cơ thể. Hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tộc, nòi giống. Thực tế tại thôn, làng trong nhiều năm qua mặc dù đã có ý kiến, kiến nghị với chính quyền địa phương, với bí thư chi bộ, thôn trưởng nhưng tình trạng kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống vẫn diễn ra tại thôn, làng.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, sự phát triển con người, xã hội thiếu toàn diện.
Để nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, cần có một số giải pháp sau:
* Đối với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương:
- Tăng cường bằng nhiều hình thức công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
- Kết hợp với các nguồn vốn dự án kịp thời động viên nhân dân, hỗ trợ kinh phí khai hoang phục hoá mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi.
- Tiếp tục xây dựng đời sống văn hoá bản và hộ gia đình theo hướng tiến bộ, trên cơ sở kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, từng bước đẩy lùi, xoá bỏ các hủ tục đặc biệt trong việc cưới hỏi, việc tang và lễ hội.
- Tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Trên cơ sở đó, nâng cao mức sống cho người dân đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn.
* Đối với mỗi người dân cần:
- Tập trung xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy ước của thôn, làng.
- Tự giác chấp hành các nội quy của địa phương. Phát huy tính tự quản của dòng họ, gia đình; vận động nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung và chính sách dân số nói riêng.
Để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên cần có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội và sự chủ động, tích cực của mỗi chúng ta để từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Vì sự phát triển bền vững của mỗi gia đình không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”.
                                                                                                                                  Thanh Hòa

 



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.