Du lịch > Thực hiện tốt Quy chế dân chủ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

06/06/2022

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định phải “lấy dân làm gốc” và đã đề ra phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời ngày 18/02/1998 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về “thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập” thay cho Nghị định 71 của Chính phủ ngày 08/9/1998 với những nội dung thiết thực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các thiết chế làm chủ của nhân dân.
Thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan làm cho dân chủ trong cơ quan thực sự được mở rộng, phát huy quyền làm chủ của mỗi cán bộ, công chức góp phần xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh. Thông qua việc thực hiện QCDC, pháp lệnh cán bộ công chức, quy chế đánh giá cán bộ công chức từng bước đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cấu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu, tình trạng vi phạm dân chủ, hay dân chủ hình thức còn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở các doanh nghiệp; Vẫn còn những cán bộ hách dịch, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, sống xa dân, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Qua đó, cho thấy nơi nào QCDC ở cơ sở không được thực hiện đầy đủ thì nơi đó khả năng phát triển kinh tế - xã hội thiếu ổn định và cũng là tiền đề cho tệ quan liêu, tiêu cực, tham nhũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Để góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng trong tình hình hiện nay, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo một số giải pháp đề xuất sau:
Một là, nâng cao ý thức, nhận thức về quyền làm chủ của người dân trong việc đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những sai phạm, hiện tượng tiêu cực trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về quan điểm làm chủ của Đảng, về mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân để mọi người dân có trách nhiệm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hai là, tạo điều kiện để người dân thể hiện được quyền làm chủ trực tiếp của mình, trong đó có trưng cầu ý kiến của nhân dân. Thực tế cho thấy ý kiến của nhân dân là những đóng góp, phát hiện từ thực tế sinh động của cuộc sống để xây dựng, thực thi đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần cụ thể hóa Qui chế dân chủ ở cơ sở bằng những qui định cụ thể những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, bởi nhân dân là chủ thể của xã hội vừa là mục tiêu phát triển của xã hội. Tạo mọi điều kiện cho người dân có quyền dân chủ bàn bạc, quyết định những công việc thiết thực ở cơ sở như: chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, các công trình phúc lợi; xây dựng quy ước khu dân, nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự; quyết định và theo dõi các khoản thu, chi do nhân dân đóng góp; giám sát các công trình xây dựng, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước...  
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp với thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở. Đảng ta đã ban hành nhiều hướng dẫn, qui định  về thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở. Nhưng để thực hiện được điều đó, trước hết đi sâu nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ngay trong cấp ủy gắn với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Năm là, Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất và năng lực, tiêu biểu, gương mẫu để hướng dẫn, chỉ đạo, qui tụ nhân dân. Kiên quyết từ thói quan liêu, mệnh lệnh sang dân chủ, công khai, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Với những nội dung chia sẻ nói trên, cùng với sự tích cực, chủ động của các ngành, các cấp trong tỉnh; tin tưởng rằng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở sẽ hiệu quả hơn và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng ở địa phương, đơn vị.
                                                                                                                                                                     Sưu tầm



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.