Thông tin tuyên truyền > "Ly nông bất ly hương" Kỳ cuối: Để người dân yên tâm bám đất, bám làng

"Ly nông bất ly hương" Kỳ cuối: Để người dân yên tâm bám đất, bám làng

23/10/2020

(GLO)- Trước những mặt trái trong công tác xuất khẩu lao động, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, giúp người dân yên tâm bám đất, bám làng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng nỗ lực tự thân để vươn lên.

Chị Trần Thị Kiều Dung (bìa trái; làng Tao, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) cùng các thành viên HTX kiểm tra hàng gia công trước khi gửi đi. Ảnh: Phương Duyên
Chọn lối đi riêng
 
Trước thực trạng nhiều người dân xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) bỏ nhà đi nơi khác tìm kế mưu sinh, chị Trần Thị Kiều Dung (làng Tao) đã đứng ra tập hợp khoảng 20 chị em có nghề may, sau đó liên lạc với các công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh để nhận may gia công. Cả nhóm mang hàng về để vừa may vừa tranh thủ làm việc nhà nhưng vẫn đảm bảo giao sản phẩm đúng thời hạn. Theo đó, mỗi chị có thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng, cá biệt có người đạt mức 8 triệu đồng/tháng.
Tháng 4-2019, Hợp tác xã (HTX) May gia công Bảo Thịnh ra đời. “Trụ sở” HTX đặt tại nhà chị Dung và thu hút 37 thành viên tham gia. Chiều chiều, không khí tại đây trở nên sôi nổi khi các chị tập trung về giao hàng, kiểm tra sản phẩm trước khi gửi đi. Giám đốc HTX cho hay, mỗi tháng, các thành viên nhận may gia công khoảng 7.000 sản phẩm.
 
Chị Lê Thị Gái (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) tâm sự: “Gia đình tôi có 1 ha hồ tiêu và rau màu nhưng năm ngoái hồ tiêu chết hết, đất giờ bỏ không, chưa biết canh tác gì. Trước đây, tôi cũng biết may sơ sơ, sau đó được HTX đào tạo miễn phí thêm 3 tháng nữa thì thành thục. Nghề này cho tôi thu nhập ổn định, có tháng tiền công của tôi lên đến 10 triệu đồng. Công việc có thể sắp xếp làm bất cứ lúc nào, lại có thời gian lo cho 3 đứa con”. Chị Gái cho biết thêm, chồng chị đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh để cùng vợ góp sức lo liệu gia đình. 
 
Trước khi trở thành chủ trang trại nuôi hươu, nai lớn nhất nhì huyện biên giới Chư Prông, ít ai biết anh Nguyễn Văn Thuận (làng Xom, xã Ia Pia) từng thất bại khi khởi nghiệp với cây hồ tiêu. Vợ chồng anh dành dụm, tích góp mua được 3 sào đất và bắt tay trồng hồ tiêu. Vốn liếng, tâm huyết đều dồn hết vào đây nhưng rồi mọi hy vọng đều tiêu tan khi vườn hồ tiêu bị bệnh chết hết.
 
“Lúc đó, mình thật sự hoang mang, không biết nên làm gì tiếp theo. Gần 1 năm sau, tìm hiểu qua sách báo, mình mới có hướng đi cụ thể và bàn với vợ vay mượn anh em, bạn bè để làm lại từ đầu”-anh Thuận kể.
Năm 2013, anh Thuận mang theo 100 triệu đồng lặn lội ra Nghệ An mua về 2 con nai cái, 1 con nai đực. Chỉ vài tháng sau, anh đã thu sản phẩm nhung nai đầu tiên, bán được 15 triệu đồng. Điều này giúp anh có thêm động lực, niềm tin để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, trang trại của gia đình anh duy trì 25-30 con hươu, nai. Không dừng lại ở nuôi hươu, nai lấy nhung, anh còn cung cấp con giống ra thị trường các tỉnh: Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi và tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Mới đây, anh còn hỗ trợ 4 con hươu giống cho 2 hộ dân ở xã Ia Me và Ia Pia (huyện Chư Prông). 
 
Giải pháp từ cơ sở
 
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: “Để giải quyết bài toán khó “Ly nông bất ly hương”, tôi đề xuất 2 giải pháp: một “ăn liền”, một lâu dài. Đầu tiên, phải có gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân như khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Sau đó có cơ chế thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm. Có thể là đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hoặc các ngành phi nông nghiệp; tìm thị trường tiêu thụ. Trong xu thế hiện nay, không thể phát triển đơn ngành mà phải tích hợp đa ngành, ví dụ nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch”. 

Tại huyện Chư Pưh, nơi có số lao động đi làm ăn xa cao nhất tỉnh, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện-xác định: “Đầu tiên phải tuyên truyền để người dân nhận ra rằng, làm công nhân chỉ là nhu cầu trước mắt, không phải giải pháp lâu dài. Những hộ có 3-4 người đi thì động viên 1-2 người trở về địa phương vừa tiếp tục sản xuất, tránh bỏ đất hoang hóa, vừa chăm lo cho gia đình”.

 

Nhưng quay về thì vướng trước tiên là vốn để khôi phục sản xuất, tạo việc làm. Do vậy, huyện xác định phải ưu tiên giải quyết vấn đề nguồn vốn. “Từ nhiều nguồn khác nhau, năm 2020, huyện đã huy động tổng nguồn vốn giải quyết việc làm trên 10 tỷ đồng, giúp người dân vượt qua khó khăn bước đầu”-ông Tứ khẳng định.  

 
Mặt khác, huyện cũng mời các chuyên gia nghiên cứu về thổ nhưỡng để quy hoạch vùng trồng cây ăn quả; hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng tập trung, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây đến các tỉnh miền Trung. Đến nay, toàn huyện đã có 1.500 ha trong tổng số 1.700 ha hồ tiêu chết được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
 
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã 2 lần mời chuyên gia về xây dựng sản phẩm OCOP tư vấn cho huyện và tuyên truyền, tập huấn cho người dân. Năm ngoái, huyện có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh; năm nay có 12 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao, 8 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt, UBND huyện còn chỉ đạo điểm về xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở xã Ia Blứ-nơi lúc cao điểm có hơn 2.000 lao động ly hương. “Đến thời điểm này, người dân đã quay về nhiều. Hiện số lao động đi làm ăn xa chỉ còn 3.627 người so với con số 5.354 người của năm 2019”-ông Tứ thông tin.
 
Tại huyện Chư Prông, Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Dũng cũng chia sẻ một số giải pháp nhằm giữ lao động, như: làm việc với một số ngân hàng để có hướng khoanh nợ, giãn nợ cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tái canh vườn cà phê già cỗi, chuyển diện tích hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả; làm việc với một số công ty ở Long An, Đak Lak xây dựng nhà kho, xưởng thu mua trái cây, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Theo Bí thư Huyện ủy Chư Prông, một trong những giải pháp địa phương đặc biệt quan tâm là tạo điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Trong 9 tháng năm 2020, toàn huyện có 70 doanh nghiệp được thành lập mới và nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn tiếp tục đầu tư vào huyện. Riêng Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đang đầu tư trang trại chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động, lâu dài có thể trên 1.000 nhân công. Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên. Một số công ty khác đang tiến hành khảo sát, làm thủ tục đầu tư trang trại chăn nuôi heo, trồng cây ăn quả... “Tin chắc từ năm 2021 trở về sau, các doanh nghiệp này sẽ hút nguồn nhân lực lớn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và bài toán “Ly nông bất ly hương” cũng được giải quyết”-ông Dũng nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cũng chia sẻ giải pháp bố trí nhiều nguồn vốn để triển khai các mô hình, dự án nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cánh đồng lớn đối với cây lúa, rau, mía; triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Ayun Pa đào tạo nghề cho lao động nông thôn. “Huyện cũng đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng để đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành khu cụm công nghiệp có quy mô 38 ha, từ đó thu hút đầu tư, mở ra hướng đi mới để tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương”-ông Tuấn cho hay.
 
Sở, ngành cùng vào cuộc
 
Để giúp người dân “Ly nông bất ly hương”, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa, tỉnh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp. “Nhiệm kỳ qua, đã có hàng ngàn tỷ đồng đầu tư thủy lợi và các hồ thủy lợi như: Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ), Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), Ia Rtô (thị xã Ayun Pa)... giúp khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai nhưng thực tế vẫn chưa thấm vào đâu. Nhiệm kỳ này, tỉnh khởi công hồ thủy lợi Ia Tul (huyện Ia Pa) có dung tích khoảng 60 triệu m3, phục vụ tưới cho hơn 6.000 ha. Làm thủy lợi không chỉ cho cây lúa nước mà còn để phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây trồng chủ lực”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu định hướng. 
 
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho biết, tỉnh đang kêu gọi các dự án chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, mở hướng cho ngành chế biến, tạo việc làm tại chỗ. Ông Nghĩa còn nhấn mạnh vai trò của sản phẩm OCOP: “Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, sản phẩm OCOP cần phát triển theo hướng là sản phẩm du lịch. Khi đó người dân sẽ có thu nhập, giải được bài toán việc làm”.
 
Bên cạnh đó, phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng “kinh tế xanh, kinh tế rừng”, vừa vận động người dân trồng rừng làm kinh tế vừa giúp nâng cao độ che phủ, qua đó thu hút doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư... cũng là một giải pháp mà theo ông Nghĩa là đáng lưu tâm.
 
Ở góc độ ngành chủ quản, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh-nhìn nhận: Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn thấp hơn thành thị khoảng 5 lần. Do đó, để giúp người dân “Ly nông bất ly hương” cần có giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Riêng về phía Sở, thời gian qua đã chú trọng đến vấn đề đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Cũng theo bà Duyên, Sở sẽ chú trọng kết nối với các doanh nghiệp đào tạo lao động chất lượng theo đơn đặt hàng, đúng với nhu cầu... Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát để bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; tiếp tục đầu tư cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, có đủ năng lực dự báo nhu cầu lao động làm cơ sở đào tạo gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước.
 
PHƯƠNG DUYÊN-PHƯƠNG DUNG

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.