Thông tin tuyên truyền > Định hướng quy hoạch, kế hoạch > LÀM GIÀU TỪ NHỮNG MÔ HÌNH TRỒNG CÂY ĂN QUẢ AN TOÀN

LÀM GIÀU TỪ NHỮNG MÔ HÌNH TRỒNG CÂY ĂN QUẢ AN TOÀN

04/11/2020

Hiện nay do giá cả các loại nông sản chủ lực của địa phương đang có xu hướng xuống thấp, tiêu chết, giá cà phê giảm mạnh; một số hộ dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ đất vườn tạp, ruộng cạn sang trồng cây ăn quả nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong trồng cây ăn quả đặc sản. Với tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện trong năm 2020 là 1.718 ha, việc phát triển mô hình trồng cây ăn quả đang trở thành một “xu hướng” mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa và các cây trồng truyền thống.
     Từ hiệu quả kinh tế đem lại, phong trào trồng cây ăn quả đã và đang phát triển mạnh tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ngoài việc trồng xen canh, các hộ còn trồng chuyên canh tại những vườn tiêu bị chết. Theo các hộ dân, bên cạnh chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro hơn nhiều so với trồng tiêu thì việc phát triển cây ăn quả còn đem lại cho các hộ nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Xã HBông, huyện Chư Sê là một trong các xã nằm trong quy hoạch và có diện tích trồng cây ăn quả lớn của huyện. Tại xã HBông hiện đã có hơn 200 ha cây ăn quả với nhiều chủng loại như: Bưởi da xanh, chanh tứ quý, thanh long ruột đỏ, nhãn lồng Hưng Yên, ổi… Cách đây 3 năm, từ đất vườn hồ tiêu bị chết hàng loạt; gia đình bà Nguyễn Thị Thùy Dung ở làng Ia Sa, xã HBông mạnh dạn chuyển sang trồng 700 cây chanh tứ quý. Hiện vườn chanh bình quân mỗi ngày, gia đình bà Dung thu hái khoảng 2-3 tạ trái; giá trung bình 10.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi ngày bà thu về 2,5-3 triệu đồng. Chanh tứ quý là loại cây ăn quả thuộc họ cam quýt có nguồn gốc á nhiệt đới. Kỹ thuật trồng cây chanh tứ quý cũng khá đơn giản vì cây dễ ra hoa, đậu quả, thích nghi với nhiều loại đất và nhiều vùng sinh thái nên người dân có thể trồng trong vườn nhà hay trồng kinh doanh đều cho năng suất tốt. Thời vụ trồng tốt nhất là vào mùa mưa để cây phát triển tốt và đỡ công tưới ban đầu.
 
 


Vườn chanh tứ quý tại xã H’Bông
     Cũng trong thời gian đó, nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn; bà Đặng Thị Phùng ở làng Kte, xã HBông đã quyết định thay thế diện tích trồng bắp, mì truyền thống sang trồng giống táo xanh. Được biết đây là giống được bà đem từ quê nhà Bắc Giang vào trồng. Hiện gia đình bà có khoảng 300 gốc táo da xanh; mỗi vụ gia đình bà thu hoạch được khoảng 3 tấn, với giá bán ổn định ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg, bà Phùng thu về 30 - 40 triệu đồng/vụ. Vườn táo của bà được nhiều người dân trong vùng và các vùng lân cận biết đến, nhiều người còn cất công đến tận vườn để mua về ăn vì gia đình bà áp dụng sản xuất sạch; chủ yếu dùng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh; đối với việc phun thuốc bảo vệ thực vật được gia đình bà thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 đúng” để không gây ô nhiễm môi trường, giữ được chất lượng sản phẩm.
     Tại xã Ia Hlốp, gia đình ông Nguyễn Đình Hưởng ở làng Tol lại có niềm đam mê với giống cam sành. Năm 2018, ông quyết định chuyển đổi 4 sào cà phê để trồng 400 cây cam sành, giống mua từ miền Tây. Năm nay, theo dự tính, mỗi cây đạt khoảng 10-12 kg; nếu giá ổn định 25.000-30.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình ông sẽ thu về khoảng 80 triệu đồng. Gia đình ông Hồ Đăng Thành ở thôn 4, xã Ia HLốp cũng đã chuyển 5 sào hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng 400 cây giống cam Vinh. Năm 2019, vườn cam cho thu hoạch vụ đầu tiên được 15 tấn, với giá bán tại vườn 15.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận 180 triệu đồng. Hiện gia đình đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ hai với sản lượng khoảng 10-12 tấn quả.
     Phát triển Nhãn lồng ở Chư Sê cũng đang cho thấy những tiềm năng lớn. Ông Phạm Văn Ngợi ở thôn Ia Sa, xã HBông đã có vườn nhãn lồng Hưng Yên với hơn 200 gốc đã cho thu hoạch được 2 năm. Vườn nhãn hơn 200 gốc này đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình ông trong 2 năm qua. Tùy theo điều kiện chăm sóc, nhãn từ lúc trồng được khoảng 3 đến 5 năm thì cho thu hoạch với giá bán tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Nếu năng suất, bình quân mỗi cây nhãn cho thu hoạch gần 100 kg. Như vậy, trồng nhãn đã và đang đem lại nguồn thu nhập khá cao cho hộ gia đình. Đặc biệt để có thu nhập cao, nhiều hộ dân đã đầu tư chăm sóc để nhãn có cơm dày, quả ngọt thơm và nhất là cho quả trái vụ nhằm bán trong dịp Tết.
     Nhờ áp dụng thành công phương pháp ép nhãn ra trái vụ, vườn nhãn rộng hơn 1.000 gốc của gia đình ông Dương Công Lãm, thôn Phú Cường, xã Ia Pal cho thu nhập vài trăm triệu đồng/vụ. Cách đây hơn 4 năm, gia đình ông chuyển đổi hơn 01 ha từ trồng tiêu và cà phê sang trồng nhãn, hiện vườn nhãn của gia đình ông đã bước vào năm kinh doanh thứ 2 với nhiều chủng loại giống như nhãn lồng Hưng Yên, Hương Chi, siêu ngọt…. Nhờ áp dụng các kỹ thuật học được, ông đã ép cho nhãn ra hoa đậu quả trái vụ với năng suất khá cao, 15-20 kg/cây. Nhãn chất lượng cao nên thương lái tìm đến tận vườn ký hợp đồng để thu mua với giá nhãn ổn định khoảng 30.000-35.000/kg. Năm nay vườn nhãn của gia đình ông thu được từ 20-30 tấn quả, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình ông Lãm đã nghiên cứu để đầu tư phát triển vườn nhãn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với một hệ thống tưới nước tiết kiệm, vừa giúp cây nhãn phát triển ổn định vừa tiết kiệm được nhân công chăm sóc vườn nhãn. Hiện vườn nhãn nhà ông cho ra hoa, đậu quả quanh năm, tháng nào cũng có nhãn bán ra thị trường; nhờ đó, nguồn thu của gia đình ông luôn ổn định và cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê và tiêu như trước đây.
     Cũng như gia đình ông Lãm, gia đình ông Nguyễn Xuân Tảo – hội viên Hội Cựu chiến binh xã Dun, Chư Sê là một trong những hộ đã mạnh dạn chọn cây nhãn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Loại giống ông chọn là nhãn Hương Chi, Hưng Yên và nhãn siêu ngọt. Hiện gia đình ông đang có 200 cây nhãn năm thứ 4 đã cho thu hoạch và 100 cây nhãn năm thứ 2 đang bắt đầu thu bói. 300 gốc nhãn này đã đem lại nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng cho gia đình ông trong năm vừa qua.
     Nhận thấy hiệu quả khả quan mà cây nhãn mang lại, huyện đã phối hợp với Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân (có trụ sở tại huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) để xúc tiến triển khai liên kết sản xuất sản phẩm nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ giai đoạn 2020-2022 với quy mô hơn 60 ha/125 hộ dân tại xã Ia Pal và xã Dun. Các hộ tham gia liên kết trên tinh thần tự nguyện, có quỹ đất, diện tích đất trồng nhãn tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, có thể trồng xen trên diện tích tái canh cà phê, chuyển đổi, thay thế diện tích tiêu chết, diện tích sản xuất cây ngắn ngày không hiệu quả. HTX Trường Xuân đóng vai trò chủ đạo, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời cam kết bao tiêu 100% sản phẩm theo giá thị trường, trong đó mặc định luôn mức giá tối thiểu là 15.000 đồng/kg. Hợp tác xã đang xuất bán 50% số nhãn thương phẩm tại nội địa, 50% còn lại ủy thác xuất khẩu tại thị trường Malaysia, Australia và Hàn Quốc. Khi ổn định vùng sản xuất, sản lượng đạt số lượng và chất lượng HTX Trường Xuân sẽ tiến hành đầu tư hệ thống sơ chế đạt tiêu chuẩn về ATVSTP và tiến tới trực tiếp xuất khẩu.
Để mở rộng hiệu quả từ các mô hình trồng cây ăn trái, tạo hướng đi mới cho người nông dân; huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng dồn điền, đổi thửa để tập trung ruộng đất nhằm đảm bảo hướng sản xuất ổn định lâu dài. Huyện cũng đã có chủ trương phát triển nhân rộng trồng cây ăn quả có múi với diện tích 100 - 200 ha giai đoạn từ nay đến 2025; tạo thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết tại các xã HBông, IaPal, IaTiêm, Ia Hlốp, Ia Glai và Al Bă. Để trợ lực cho người dân, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí bằng phân bón, vật tư, thiết bị tưới cho các hộ tham gia. Mặt khác cũng sẽ có những đầu tư mạnh cho tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo đảm cây cho quả tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã, đồng thời sẽ tìm kiếm các biện pháp xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Trên cơ sở đó thúc đẩy chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; đưa nông nghiệp huyện Chư Sê thành nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lê Loan

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.