Thông tin tuyên truyền > Định hướng quy hoạch, kế hoạch > Nông dân tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nông dân tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

04/11/2020

Đứng trước thực trạng cây hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, giá cả lên xuống thất thường, nhiều nông dân ở xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách thực hiện mô hình trồng cây ăn quả như: bơ, sầu riêng, chanh dây…kết hợp chăn nuôi dê, bò…đã góp phần cải thiện được nguồn thu nhập cho cuộc sống
heo ông Nguyễn Đức Dũng, làng Sơr, xã Ia Hlốp cho hay: đầu năm 2018 nhận thấy giá cả các mặt hàng nông sản như: hồ tiêu, cà phê giảm mạnh, thời tiết thì thay đổi đã làm cho diện tích cây tiêu bị nhiễm bệnh và chết đồng loạt. Để giúp gia đình vượt qua cơn khó khăn, ông đã bỏ ra 30 triệu đồng, mua gỗ, vật liệu để xây dựng chuồng trại rộng 60m2. Sau đó ông tiếp tục chi thêm 30 triệu đồng mua 19 con dê giống để chăn nuôi. Trong quá trình chăn nuôi nhờ tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc cho đàn dê nên đàn dê của gia đình luôn khỏe mạnh và ít dịch bệnh xảy ra. Hiện nay đàn dê của ông có 41 con, trong đó có 19 con dê sinh sản, số còn lại là dê lấy thịt. Dê có đặc điểm là tốc độ sinh sản khá nhanh, mỗi năm đàn dê sinh sản trên 70 con. Trung bình một năm ông thường bán trên 20 con dê, mỗi con nặng từ 30-35kg. Trên thị trường hiện nay dê hơi có giá 130.000đ, mỗi năm bán dê cũng mang lại thu nhập cho gia đình ông trên 80 triệu đồng.

     Ông Dũng tâm sự: hơn một năm thực hiện mô hình chăn nuôi dê, đàn dê của gia đình tôi nuôi chưa gặp dịch bệnh gì, thật ra nuôi dê không khó, mỗi ngày chỉ tốn 2 tiếng đồng hồ để đi cắt keo, lá mít…cho dê ăn là được, tôi thấy mô hình nuôi dê bây giờ mang lại lợi nhuận khá, ít tốn tiền đầu tư. Bên cạnh đó nhờ chăn nuôi dê, mà tôi còn tận dụng được trên 20 khối phân dê để bón cho cây trồng, mỗi năm tiết kiệm được gần 16 triệu đồng tiền mua phân chuồng bón cho vườn cây.
     Tương tự hộ gia đình chị Rơ Lan H’Púp, làng Á, xã Ia Hlốp cho biết: thời gian gần đây nhận thấy giá cả cây hồ tiêu, cà phê rớt giá, năm 2018 chị đã mạnh dạn bàn bạc với chồng phá bỏ 5 sào cà phê đã già cỗi để trồng tái canh lại 500 cây cà phê con. Để tận dụng tối đa diện tích đất trong quá trình canh tác, chị Púp bỏ ra 7 triệu đồng mua dây thép, kẽm làm giàn trồng 100 cây chanh dây xen trong vườn cà phê. Qua một thời gian trồng nhờ nắm bắt các kỹ thuật trong việc chăm sóc cho cây chanh dây từ khâu xuống giống, bón phân, tưới tắm, phòng, điều trị bệnh nên vườn chanh dây ra bông, đậu quả nhiều và cho năng suất cao. Hiện nay bình quân mỗi ngày thu hoạch chanh dây bán cho thương lái chị thu về hơn 200 nghìn đồng.
 


Chị Rơ Lan H’Púp cùng vườn cây chanh dây trồng xen canh trong vườn cà phê tái canh
     Hiện nay gia đình tôi có 1250 cây cà phê, trong đó có 700 cây cà phê kinh doanh, 550 cây cà phê con hơn một năm tuổi, 100 cây chanh dây, hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó để giúp cho gia đình tiết kiệm được tiền mua gạo phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, gia đình tôi còn trồng thêm 4 sào lúa nước, trung bình một năm thu hoạch trên 4 tấn lúa.- chị Púp tâm sự.
Còn hộ gia đình ông Lê Lộc, làng Gran, xã Ia Hlốp cho hay: gia đình ông ngoài việc trồng cây cà phê, hồ tiêu thì ông còn chủ động chuyển đổi diện tích đất tiêu chết vì bị nhiễm bệnh để thực hiện mô hình trồng cây sầu riêng, bơ, mít xen canh trong vườn cây cà phê kết hợp chăn nuôi bò, dê, gà. Hiện nay gia đình ông có hơn 100 cây bơ, 50 cây sầu riêng, 30 cây mít thái, 08 con bò, 05 con dê. Trung bình mỗi năm chưa tính nguồn thu nhập từ việc trồng cà phê, tiêu, chỉ tính riêng việc trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia đình ông cũng mang lại cho ông nguồn thu trên 60 triệu đồng.
     Ông Lộc chia sẻ: nói chung khi các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê… giá cả lên xuống thất thường như thế này, việc tìm ra một mô hình để phát triển trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với diện tích tiêu chết để tăng nguồn thu nhập cho gia đình là rất cần thiết. Bởi lẽ với thị trường giá cả hồ tiêu, cà phê lên xuống thất thường như hiện nay nếu người nông dân cứ lao vào việc trồng tiêu sẽ gặp nhiều rủi ro cao.
     Theo ông Kpuih Lan – Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Hlốp cho biết: Thời gian gần đây khi diện tích cây hồ tiêu bị chết đồng loạt, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi bằng cách trồng cây ăn quả như; bơ, sầu riêng, chanh dây, mít, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi bò, dê, gà…Nhờ biết cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý đã giúp cho bà con có thêm một nguồn thu nhập khá và từng bước ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Huy Hoàng

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.