Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Hướng dẫn sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Mùa năm 2021

Hướng dẫn sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Mùa năm 2021

25/09/2021

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện nay ENSO đang chuyển dần sang trạng thái La Nina. Dưới tác động của hiện tượng La Nina, thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; điều kiện thời tiết ở một số thời điểm rất thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh phát sinh và gây hại cây trồng trên diện rộng.

 
Người dân làm đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa
Để chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về cây trồng do các loài sâu, bệnh hại gây ra và tổ chức sản xuất cây trồng vụ Mùa năm 2021 đạt hiệu quả, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tại Văn bản số:  276/CCTTBVTV-BVTV ngày 25/5/2021 về tăng cường hướng dẫn sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Mùa năm 2021; các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Trên cây lúa   
  - Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đến các hộ nông dân không gieo sạ tăng vụ mà phải gieo sạ tập trung theo lịch gieo sạ của địa phương (xuống giống đại trà, tập trung từ ngày 20/5-30/6), tránh những bất lợi của thời tiết và cao điểm sinh vật gây hại; quản lý tốt nước tưới đến lúc lúa trỗ an toàn, hạn chế để khô hạn, thiếu nước tưới vào cuối vụ.
  - Mở rộng áp dụng chương trình quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp (IPM, ICM), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)... góp phần nâng cao trình độ canh tác, vai trò chủ động của nông dân trong sản xuất; giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm được mối nguy hại do lạm dụng hóa chất đối với sức khoẻ cộng đồng; cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường sinh thái; nhằm giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
          - Sử dụng những giống lúa chất lượng cao, lúa thơm. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Khuyến cáo nông dân sử dụng cấp giống xác nhận và nằm trong cơ cấu khuyến cáo như: HT1, TH12,  ML48, OM4900, Nhị ưu 838, Đài Thơm 8...
 - Gieo sạ thưa hợp lý, lượng giống khoảng 80-100 kg/ha. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học ở giai đoạn lúa từ khi gieo sạ đến 40 ngày tuổi.
- Bón phân đầy đủ, cân đối: Phân chuồng 10 tấn/ha, phân lân 500 kg/ha, phân Urê 190 kg – 220 kg/haphân Kali 200 kg/ha. Cụ thể:
+ Bón lót: 10 tấn phân chuồng (hoặc 3 tấn hữu cơ vi sinh ) + 500 kg Lân Văn Điển/ha + vôi 500 kg/ha trước khi xuống giống một đến hai ngày.
 + Bón thúc đợt 1: Sau khi gieo sạ được 12 ngày bón 80 kg Urê  + 100 kg Kali, hai loại phân trên cần trộn đều bón ngay để cây lúa đủ dinh dưỡng đẻ nhánh tập trung.
  + Bón thúc đợt 2: Sau khi gieo sạ được 20-25 ngày bón phân Urê từ 50 - 60 kg/ha.
   + Bón thúc đợt 3: Sau khi gieo sạ 50-60 ngày lượng Urê từ 60-70 kg/ ha + Kali 100 kg/ha.
- Phun thuốc trừ cỏ đúng kỹ thuật:
+ Đối với trừ cỏ tiền nảy mầm: Hướng dẫn người dân sau sạ 1-3 ngày xử lý thuốc ngay, có thể dùng các loại thuốc diệt cỏ có gốc PretilachlorFenclorimButachlorphun với lượng thuốc 1,2 lít/ha, lượng nước phun đảm bảo 600 lít nước/ha phun đều trên mặt ruộng.
+ Đối với trừ cỏ hậu nảy mầm: Hướng dẫn người dân chỉ áp dụng cây lúa ở giai đoạn từ 7-15 ngày tuổi, ruộng đảm bảo nước 1-3 cm; nếu cây lúa sau 15-20 ngày tuổi tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ.
- Tưới nước đủ và tiết kiệm nước: Sau gieo sạ 3 ngày thì đưa nước vào mực nước 1-3 cm, giai đoạn 20-25 ngày tuổi đưa nước vào ruộng ở mức 3-5 cm, giai đoạn 50-60 ngày tuổi lúc này đưa nước vào ruộng từ 7-10 cm giữ đến khi lúa trỗ. Sau trỗ 15 ngày rút nước ra khỏi ruộng hoàn toàn để ruộng khô cho lúa chín tập trung thuận lợi cho việc thu hoạch.
- Chỉ đạo diệt chuột thường xuyên liên tục bằng các biện pháp như đào bắt, đặt bẫy, dùng thuốc hóa học đối với những cánh đồng xa khu dân cư. Đối với ốc bươu vàng hướng dẫn nông dân thả vịt vào ruộng sau khi thu hoạch để tiêu diệt trứng và ốc non; thu gom trứng, ốc non trên các kênh mương đem tiêu hủy.
 
 
Người dân làm đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa
   2. Trên cây ngô
- Tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người trồng ngô nhận diện được về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại, và các giải pháp phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn (Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020).
- Sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu (NK7328 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, NK66 Bt/GT, NK6101 Bt/GT, 6919S, 8629S...) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.
+ Đối với các giống ngô không có gen kháng sâu keo mùa thu, giống ngô nếp, ngô địa phương cần xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Cyantraniliprole, Thiamethoxam, Difenoconazol, Fludioxonil, lượng dùng 6ml/1kg hạt giống, biện pháp này hạn chế được sâu keo mùa thu gây hại ở giai đoạn từ khi cây ngô nảy mầm đến giai đoạn cây ngô 5-6 lá.
+ Trước khi xuống giống thực hiện đặt bẫy chua ngọt để tiêu diệt trưởng thành sâu keo mùa thu.
- Giai đoạn từ khi xuống giống đến 7 lá:
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp khuyến cáo hỗ trợ người dân tổ chức phòng trừ có hiệu quả; sử dụng các loại thuốc Bảo vệ thực vật có hoạt chất: Spinettoram, Indoxacarb, Lufenuron, Emamectin benzoate.
 + Đối với những ruộng ngô không sử dụng giống kháng, điều tra nếu phát hiện sâu ở tuổi 1-2, mật độ sâu 3-4 con/m2 hoặc tỷ lệ hại >20% số cây thì tiến hành xử lý thuốc ngay. Lưu ý sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu kháng thuốc; phun ướt đều lá và phun vào nõn cây ngô.
- Giai đoạn ngô phát triển 7 lá đến xoáy nõn, sắp trỗ cờ phun râu: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện, xử lý kịp thời khi tuổi sâu còn nhỏ (tuổi 1- 2), mật độ trên > 4 con/m2 hoặc tỷ lệ cây bị hại >20% số cây thì tiến hành xử lý thuốc.
- Giai đoạn ngô trỗ cờ phun râu - chín, thu hoạch: Giai đoạn này mức độ gây hại và thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô giảm hơn so với 2 giai đoạn trước; khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
3. Trên cây sắn
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn; nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng trừ bệnh do cơ quan chuyên môn hướng dẫn (Văn bản số 1605/BVTV-TV ngày 21/7/2017 của Cục Bảo vệ thực vật về ban hành Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn; Văn bản số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019 của Cục Trồng trọt về ban hành Quy trình canh tác sắn, Quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá và Quy trình tự sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá).
- Đối với những diện tích sắn chuẩn bị trồng trong vụ Mùa năm 2021: Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân trồng giống sắn sạch bệnh và phòng trừ bọ phấn trắng ngay từ đầu vụ. Cụ thể như sau:
+ Mua giống sắn: Không mua giống HL-S11; kiểm tra nguồn gốc giống, không nên mua giống từ các địa phương đã có bệnh khảm lá virus; kiểm tra trực tiếp lô giống, không mua và báo cáo với chính quyền địa phương nếu có triệu chứng bệnh (quan sát ở những cây có mầm, lá); yêu cầu người bán cam kết, bảo hành giống không bị nhiễm bệnh để đảm bảo quyền lợi.
+ Khuyến cáo người dân nên trồng tập trung, đồng loạt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến 15/6 để tránh bọ phấn trắng phát sinh truyền bệnh.
+ Khuyến cáo người dân bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây để hạn chế tác động của bệnh.
 Phân chuồng: Bón 5-10 tấn/ha hoặc phân hữu cơ vi sinh 2-3 tấn/ha
 Phân vô cơ: Trên đất xám và đất cát bạc màu, trồng sắn lâu năm: Bón theo công thức 150-160 kg N + 60 - 80 kg P2O5 + 160 kg K2O; trên đất đỏ Bazan và đất phù sa: 90 kg N +  60-70 kg P2O5 + 100-120 kg K2O.
 Cách bón:
* Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ + toàn bộ phân lân + 1/3 N + 1/3 Kali.
* Bón thúc lần 1 vào giai đoạn từ 20 - 30 ngày sau khi trồng: 1/3N + 1/3 Kali.
* Bón thúc lần 2 vào giai đoạn sau khi trồng từ 50 - 70 ngày sau trồng với lượng phân còn lại.
* Phương pháp bón phân: Phân lân và phân hữu cơ bón lót khi cày, bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng; phân đạm và phân kali bón theo hốc (cuốc hốc cách gốc hoặc hom sắn khoảng 15 cm, rải đều phân xuống và lấp đất lại).
+ Làm cỏ: Sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Một số hoạt chất thuốc được khuyến cáo trừ cỏ trên cây sắn có hoạt chất như: Fluazifop- P- Butyl, Acetochlor.... Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm sau khi trồng 1-3 ngày, chú ý sử dụng thuốc khi đất đảm bảo độ ẩm. Có thể kết hợp giữa làm cỏ bằng tay và phun thuốc: Làm cỏ bằng tay 2-3 lần sau khi trồng từ 25 - 30 ngày, 40 ngày và 70 ngày.
- Áp dụng quy trình tự để giống cho vụ sau để tạo nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất. Nông dân tự để giống phải tự xác minh lại nguồn gốc, nếu lô giống đó được thu hoạch trên ruộng sắn không bị bệnh mới sử dụng để trồng. Trong quá trình chặt hom loại bỏ ngay những cây đã mọc mầm, ra lá có triệu chứng bị khảm, kể cả bị nhiễm rất nhẹ.
  4. Trên cây mía
- Bệnh trắng lá mía gây hại do dịch khuẩn bào Phytoplasma gây ra lan truyền chủ yếu qua hom giống, do vậy kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống trước khi trồng mới để tránh bệnh lây lan.
+ Tiếp tục tuyên truyền cho người trồng mía nhận thức được tác hại của bệnh trắng lá mía và các giải pháp phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời nguồn bệnh.
* Cây mía ở giai đoạn đẻ nhánh (dưới 3 tháng tuổi) nếu phát hiện bệnh gây hại thì tổ chức cuốc bỏ đem ra khỏi vườn tiêu hủy nguồn bệnh, biện pháp này mang lại hiệu quả cao.
* Đối với diện tích bị nhiễm bệnh trắng lá mía < 30%: Tiến hành đào loại bỏ các bụi mía bị nhiễm bệnh tiêu hủy; đồng thời chăm sóc, bón phân giúp cây phát triển tốt vượt ngưỡng gây hại của bệnh.
* Đối với những diện tích bị nhiễm nặng tỷ lệ bệnh trên > 30%; cần kiểm tra, đánh giá nếu không có khả năng cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế thấp thì tiến hành tiêu hủy ngay để tránh nguồn bệnh lây lan; chuyển những diện tích này sang trồng các loại cây trồng khác như mì, đậu đỗ, ngô, ... 
+ Chăm sóc, bón phân cân đối, đầy đủ trong giai đoạn mía đẻ nhánh - vươn lóng - tích lũy đường, bón phân Urê từ 200-250 kg/ha; Kali từ 130-150 kg/ha hoặc NPK 16:16:8 với mức 300-350 kg/ha.
- Đối với bọ hung, xén tóc:
+ Trước khi trồng mía cần cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư cây mía, xử lý đất bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như Nugor 10GR, Sago-Super 3GR, Regent 0,3G... liều lượng 25-30 kg/ha, bón lót xuống dưới đáy và xung quanh rãnh mía, sau đó đặt hom mía và phủ đất. Có thể sử dụng biện pháp thủ công tập trung bắt bọ hung non và trưởng thành đem tiêu hủy. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả phòng trừ cao.
+ Thường xuyên kiểm tra trên các diện tích đã bị nhiễm xén tóc, những ruộng mía có mật độ trên 2 con/gốc tiến hành xử lý ngay bằng thuốc sinh học có gốc Metarhizium, tiến hành cày rãnh sau đó rải thuốc và lấp đất lại; liều lượng dùng 3-4 kg/ha. Dùng bẫy đèn để bắt trưởng thành khi vũ hóa rộ vào tháng 5-6 và tháng 8-9 khi có những đợt mưa lớn.
Lưu ý: Không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ xén tóc vì qua kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả rất thấp.
  5. Trên cây cà phê
- Hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng vừa hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Bón phân đầy đủ cân đối, kịp thời để hạn chế sâu bệnh và rụng quả.
- Điều tra, dự tình dự báo phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng.
          + Đối với rệp sáp, rệp vảy xanh, vảy nâu: Hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ sớm, kịp thời khi rệp tuổi nhỏ; những vườn rệp sáp xuất hiện với mật độ cao kết hợp tưới nước phá tan lớp sáp để khi phun thuốc dễ thấm sâu vào chùm quả, có thể sử dụng các thuốc BVTV như: Mapjudo 40WP, Selecron® 500 EC, Oncol 25 WP, Difentox 20 EC...Các loại thuốc trên cần pha theo nồng độ hướng dẫn trên nhãn bao bì để phun. Chú ý phải phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ  vào những cây, cành, chùm quả bị rệp. Tuyệt đối không phun qua loa theo cảm tính, phun không đủ lượng nước thuốc sẽ làm cho rệp kháng thuốc, hiệu quả không cao, gây tốn kém.
+ Đối với bệnh gỉ sắt phun cục bộ những cây bị nhiễm bệnh bằng các loại thuốc như Anvil® 5SC, Tilt Super® 300EC...
+ Đối với bệnh rụng quả:
* Những vườn cà phê rụng quả do thiếu dinh dưỡng: Hướng dẫn người dân bón kịp thời, đầy đủ, cân đối N-P-K, bón bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng như: Canxi (Ca), Magiê (Mg), Kẽm (Zn),...
* Những vườn cà phê rụng quả do bệnh thán thư gây ra (Collectotrichum coffeanum): Hướng dẫn người dân xử lý sớm, kịp thời bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole, Hexaconazole, Metalaxyl + Mancozeb, Mandipropamid + Chlorothalonil,... pha theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất; nếu bệnh nặng phun kép 02 lần, cách nhau 7-10 ngày.
          - Đối với những diện tích đất chuẩn bị trồng tái canh cần cày sâu phơi ải đất, thiết kế lô, xử lý hố trồng, chuẩn bị cây giống đảm bảo trước khi đi vào trồng mới. (Thực hiện theo Quy trình tái canh cà phê vối được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016).
 6. Trên cây hồ tiêu
Chủ động phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu trong giai đoạn mùa mưa có hiệu quả, hướng dẫn người dân một số biện pháp kỹ thuật:
- Đối với cây hồ tiêu kinh doanh và cây hồ tiêu kiến thiết cơ bản
+ Mùa mưa, ẩm độ không khí tăng cao, số giờ chiếu nắng ít, cần rong tỉa cây che bóng làm cho vườn tiêu thông thoáng, tăng độ chiếu sáng làm tăng khả năng quang hợp của cây, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh. Cuối mùa mưa chăm sóc lại bộ tán cây che bóng, cây choái sống để che nắng trong mùa khô.
+ Cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn tiêu thông thoáng hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng và phát sinh gây hại của sâu bệnh.
+ Vun cao gốc tiêu để tránh ngập úng. Đối với những vườn có độ dốc thấp dưới 100, đất bằng phẳng phải thiết kế mương thoát nước trong mùa mưa.
+ Bón phân vào tháng 6, tháng 7 cho cây hồ tiêu loại phân N-P-K: 20:20:15 (loại phân bón đầu trâu tăng trưởng ); Lượng bón 0,3-0,4 kg/ gốc tương đương 500-700 kg/ha. Bón phân vào tháng 8, tháng 9 dùng phân N-P-K: 20:20:15 (loại phân bón đầu trâu tăng trưởng); Lượng bón 0,3-0,4 kg/ gốc tương đương 500-700 kg/ha; có thể bổ sung thêm KNO3 để chống rụng quả non. Bón phân lần cuối (vào thời điểm tháng 11) cho cây hồ tiêu kinh doanh loại phân N-P-K: 15:15:20; Lượng bón 0,3-0,4 kg/ gốc tương đương 500-700 kg/ ha. Đối với hồ tiêu kiến thiết cơ bản bón với loại phân N-P-K: 20:20:15 hoặc 16:16:8 (loại phân bón đầu trâu tăng trưởng); Lượng bón từ 0,1-0,15 kg/ gốc tương đương 120-150 kg/ ha.
+ Bón phân cân đối, đầy đủ, có thể kết hợp chất điều hòa sinh trưởng (RIC hồ tiêu 10WP với lượng 15-20 kg/ha) giúp rễ phát triển tốt, kháng bệnh.
+ Phun bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng: Bổ sung phân trung lượng (Ca, Mg) và vi lượng Kẽm (Zn) và Bo (B). Tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản phun 3-4 lần/năm, tiêu kinh doanh phun 4-5 lần/năm giúp tiêu tăng tỷ lệ đậu quả và kháng bệnh tốt.
+ Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh kịp thời và phân loại sức khỏe từng choái tiêu, vườn tiêu để áp dụng biện pháp phòng trừ hợp lý hiệu quả:
* Đối với vườn tiêu đang phát triển xanh tốt chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc bệnh nhẹ: Áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp bền vững theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học chứa nấm đối kháng như: Trichoderma, Pseudomonas, Streptomyces, Bacillus, Metarhizium, ... và các hoạt chất sinh học như: AbamectinPeacilomyces, MatrineAzadirachtinChitosan, ...
* Đối với vườn tiêu đã bị nhiễm tuyến trùng, nấm bệnh nhưng còn khả năng phục hồi: Lá vàng, rụng lá, rụng đốt nhưng dưới 50% so với cây bình thường;  rễ có nốt sưng, rễ tơ bị hại nhưng rễ chính vẫn còn sống; khi xử lý thuốc kết hợp thuốc trừ tuyến trùng + nấm bệnh, sau 15-20 ngày dùng thuốc kích thích ra rễ giúp cây phục hồi bộ rễ. Đối với tuyến trùng dùng thuốc có hoạt chất: Ethoprophos, Carbosulfan, Clinoptilolite, Benfuracarb. Đối với nấm bệnh dùng hoạt chất: Potassium phosphonate, Dimethomorph, Metallaxyl, Mancozeb, Fosetylaluminium. Đối với các thuốc kích thích bộ rễ như: Ric 10WP, Super humic,... Các loại chế phẩm trên hòa tan trong nước, sục xung quanh gốc cách gốc 30-35 cm, sâu 35-40 cm, sục từ 8-12 lỗ với lượng nước thuốc 4-5lít/gốc. Nồng độ pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
* Đối với những vườn bị hại nặng không còn khả năng phục hồi: Lá và đốt bị rụng trên 50%; bộ rễ bị hại nặng, trục rễ đã bị thối; hướng dẫn nông dân thu gom, vệ sinh vườn tiêu, tiêu hủy toàn bộ cây tiêu bị chết; tiến hành cày đất, xử lý đất để tiêu diệt mầm mống sâu, bệnh; chuyển đổi những diện tích đất này sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn và có thị trường tiêu thụ ổn định. Trước mắt phối hợp với các công ty trên địa bàn tỉnh như Công ty Cổ phần Nông sản xuất khẩu Đồng Giao, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Nafood Group, Tập đoàn Dược liệu Quốc Tế Trường Sinh... tiến hành trồng các loại rau, cây ăn quả, cây dược liệu, ... để giúp người dân ổn định cuộc sống.
- Đối với các vườn tiêu trồng mới
+ Khuyến cáo không tái canh (trồng mới) hồ tiêu trên chân đất có cây hồ tiêu đã bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm và mưa kéo dài trong năm 2018. Tuyệt đối không trồng hồ tiêu trên chân đất úng nước, kém thoát nước để tránh thiệt hại.
+ Khuyến cáo xung quanh gốc hồ tiêu có thể trồng cây cúc Vạn Thọ để xua đuổi tuyến trùng.
+ Đào rãnh thoát nước khi vườn tiêu không đảm bảo độ dốc thích hợp (đất vườn tiêu bằng phẳng hoặc độ dốc < 100).
+ Trồng cây chắn gió quanh vườn, hai bên đường lô bằng cây ăn quả như mít, bơ, sầu riêng.
+ Sau khi trồng bón phân 03 lần chia đều nhau, lần 01 sau trồng 02 tháng, lần 02 sau trồng 4 tháng, lần 03 sau trồng 6 tháng. Liều lượng phân cho 3 lần bón: Phân đơn: Urê 150-200 kg/ha, Kali Clorua 120-150 kg/ha; Phân tổng hợp NPK 16:16:8: 250-300 kg/ha.
+ Kiểm tra vườn thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng sinh học bền vững.
7. Trên cây điều
- Vệ sinh vườn, làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán cho vườn điều thông thoáng sau khi thu hoạch để hạn chế nơi trú ngụ của của các đối tượng sâu bệnh gây hại.
- Đối với bọ xít muỗi: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Citrus oil, Alpha-cypermethrin; Cypermethrin. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Thời điểm phun thuốc vào chiều mát hoặc sáng sớm, trường hợp điều đang nở hoa thì phun thuốc vào chiều mát. Phun đồng loạt toàn vườn, phun từ ngoài vào trong theo hình xoáy trôn ốc và phun ướt đều tán cây.
Đối với bệnh thán thư: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Citrus oil, Copper Hydroxide, Cuprous Oxide + Kasugamycin, Hexaconazole. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Phun vào giai đoạn cây điều ra chồi non, nụ hoa, quả non. Phun ướt đều tán cây; nếu ẩm độ không khí cao và kéo dài có thể phun lần 2 (sau lần 1 từ 5-7 ngày).
Lê Loan (TH
 



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.