Thông tin tuyên truyền > Trồng măng tây cho thu nhập ổn định và cải thiện nguồn thực phẩm an toàn

Trồng măng tây cho thu nhập ổn định và cải thiện nguồn thực phẩm an toàn

16/10/2019

           Nhằm hướng tới sản phẩm chất lượng giàu dinh dưỡng đảm bảo an toàn thực phẩm.  Thời gian qua, trên địa bàn huyện Chư Sê đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết, cà phê gìa cỗi, năng xuất thấp, sang thực hiện các mô hình sinh kế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những mô hình chuyển đổi thành công là mô hình trồng măng tây của chị Tạ thị Năm ở thôn 6, Ia Blang
 
     Đến thăm mô hình măng tây của gia đình chị Tạ thị Năm ở thôn 6, Ia Blang, tiếp chúng tôi chị Năm cho biết: gần đây giá cà phê, hồ tiêu giảm mạnh và bị bệnh chết hết nên nguồn thu nhập chính của gia đình cũng giảm, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Để cải thiện kinh tế gia đình, chị Năm đã đi tham quan một số mô hình chuyển đổi của người dân trong và ngoài huyện và tìm hiểu thị trường, thấy cây măng tây dễ trồng, thích nghi được với thời tiết khí hậu, kháng được sâu bệnh, sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khoẻ, được người tiêu dùng ưa chuộng và thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, chị đã mạnh dạn tiến hành cày xới 1400m2 đất, đầu tư lắp đắt hệ thống ống tưới phun tự động để giảm chi phí nhân công và chọn mua giống măng F1 của Mỹ để đưa vào trồng, chi phí ban đầu khoảng 15 triệu đồng/sào. Sau 5 tháng trồng, nhờ biết cách chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật nên vườn măng tây nhà chị phát triển xanh tốt, cho thu hoạch được gần 20kg măng mỗi ngày, sản phẩm thu hoạch được người dân và các nhà hàng đặt mua trước nên không lo đầu ra.
     Chị Tạ thị Năm – thôn 6 , Ia Blang cho biết: Do tiêu, cà phê chết hết, tôi tăn trở tìm cây trồng thay thế sao cho phù hợp mang lại lợi ích cho gia đình. Tôi biết đến cây măng tây cho lợi nhuận kinh tế cao hơn, gia đình tôi bắt đầu trồng được khoảng  1,4 sào, sau 5 tháng cho thu hoạch. Vào thời điểm chính vụ gia đình tôi thu được khoảng 19kg/ngày, còn bình thưởng là hơn 10kg/ngày. Đối với măng loại I tôi bán 100.000đ/kg, loại 2 là 60.000đ/kg, trừ chi phí, nếu trong thời gian chính vụ đỉnh điểm thu được 15 đến 20 triệu/tháng, còn những vụ phụ thì thu được khoảng 10 đến 12 triệu/tháng.


Kỹ thuật trồng măng tây, khâu quan trọng nhất là chọn giống và làm đất, lắp hệ thống tưới nước phun tự động sẽ giảm bớt chi phí nhân công; hạt giống khi mua về đem ủ mộng rồi cho vào bầu ươm, sau 2 tháng thì đem trồng. Khi trồng cần phân luống có độ rộng 80cm, tiến hành cuốc hố, dùng phân hữu cơ đã ủ hoai mục để bón lót, khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 40cm. Vì măng tây là cây thân thảo nên khi trồng cần phải chôn cọc và giăng dây làm giá đỡ, để khi cây phát triển cao không bị đổ; để giữ độ ẩm cho cây mỗi tuần tưới 2 lần, mỗi tháng bón bổ sung phân hoá học NPK một lần. Khi măng lên khỏi mặt đất đạt độ cao từ 20 đến 25 cm thì thu hoạch, mỗi ngày thu một lần và thu vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối vì lúc đó măng sẽ tươi hơn, hàm lượng dinh dưỡng trong cây măng cao, nếu thu vào thời điểm khi mặt trời lên cao, thì măng dễ bị đắng, tỷ lệ măng loại I thấp bán mất giá. Để cây măng phát triển bền vững cho năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cần chú ý tăng cường bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, hạn chế phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Sau mỗi vụ thu hoạch khoảng 6 tháng, người trồng măng sẽ dừng thu khoảng 20 đến 30 ngày, để phục hồi vườn cây – Chị Năm cho biết thêm.
      Nhận xét về mô hình trồng măng tây, chị Nguyễn Thị Hồng Gấm – Chủ tịch hội LHPN xã Ia Blang cho biết: Qua tham quan mô hình măng tây của chị Năm, Chi hội phụ nữ thôn 6, tôi thấy đây là mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Tới đây tôi sẽ tuyên truyền đưa chị em vào tham quan mô hình này và vận động chị em trồng loại măng tây kết hợp trồng thêm rau sạch để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình và cải thiện thu nhập.
     Mô hình trồng măng tây của gia đình chị Năm được đánh giá là thành công, hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây trồng khác. Tuy nhiên cũng cần khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi nhân rộng mô hình để cây măng tây thực sự trở thành cây cứu cánh cho nông dân, giải quyết công ăn việc làm trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.
                                                                                    Hoàng Viên

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.