Tin tức > Nông thôn mới > BÌNH ĐẲNG GIỚI: Bất bình đẳng giới và câu chuyện muôn thuở

BÌNH ĐẲNG GIỚI: Bất bình đẳng giới và câu chuyện muôn thuở

24/02/2018

1. Ai rửa bát hôm nay?
       Khi một đứa trẻ lớn lên, được dạy rằng, đàn ông sinh ra là để lo việc lớn, việc nội trợ nhỏ nhặt, tầm thường, rửa bát, nấu cơm,.. là việc của đàn bà. Định kiến đó không chỉ tồn tại trong từng gia đình mà còn thể hiện ở những quảng cáo truyền hình được phát sóng mỗi ngày.
       Dầu ăn, nước mắm, xà phòng,... là những sản phẩm quảng cáo gắng liền với phụ nữ và bổn phận của họ trong gia đình. Người mẹ, người vợ trong quảng cáo thường là người nội trợ giỏi giang, biết lựa chọn những sản phẩm tốt để phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của gia đình. Mẹ giặt áo trắng tinh nhờ Omo, mẹ nấu canh ngon tuyệt nhờ hạt nêm Vedan, mẹ lau nhà sạch bong nhờ nước lau sàn Sunlight,...
      Những đứa trẻ đang trong quá trình hình thành nhận thức, xem những quảng cáo như vậy sẽ mặc định rằng nội trợ là công việc của phụ nữ. Suy nghĩ đó ngấm sâu vào tiềm thức trong suốt cả quá trình nó lớn lên, để rồi sau này, định kiến đó lại được truyền lại cho các thế hệ sau như lẽ đương nhiên.
      Định kiến này bắt nguồn từ tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ đã định hình trong tâm thức của mỗi người Việt Nam từ nhiều đời nay. Khi văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam mang theo những luồng tư tưởng hiện đại, xã hội đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng hơn cho người phụ nữ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là sự phân chia công việc nhà.
Người phụ nữ trong xã hội hiện đại đã nhận thức rõ hơn về khả năng và giá trị của bản thân. Họ năng động, tài giỏi, tháo vát và đòi hỏi được xã hội nhìn nhận nhiều hơn, dần dần rũ bỏ hình tượng nội trợ truyền thống. Sự khao khát bình đẳng thể hiện rõ nét trong việc yêu cầu người đàn ông trong gia đình giúp đỡ công việc nhà.
Dù là người có năng lực, có công việc với mức thu nhập cao, là người có uy tín ở ngoài xã hội, nhưng khi về nhà, những người phụ nữ phải gành thêm công việc nhà mà không được chia sẻ. Điều này khiến nhiều người phụ nữ chọn cuộc sống độc thân hoặc làm mẹ đơn thân.
Còn với những người phụ nữ nông thôn, sống trong những gia đình truyền thống thì tư tưởng này càng nghiêm trọng. Không chỉ người cha, người chồng, người con trai trong gia đình định kiến mà ngay chính bản thân họ cũng cho rằng đó là bổn phận, thiên chức mà khi sinh ra là phụ nữ mình phải mang.
Hiểu được những thiệt thòi và khó khăn của phụ nữ Việt Nam trong việc đòi lại quyền bình đẳng của bản thân, dự án Ai rửa bát hôm nay đã ra đời. Là dự án truyền thông online, thông qua việc nói đến một công việc thường ngày như “rửa bát” nhằm mục đích gợi lên các vấn đề bất bình đẳng giới và qua đó truyền thông về quyền con người của phụ nữ.  

         2. Bất bình đẳng giới từ những việc nhỏ nhất
        Sự bất bình đẳng thể hiện ngay trong chính gia đình chúng ta, từ trong những việc làm, cách ứng xử nhỏ nhất mà đôi khi chính chúng ta cũng chưa nhận thức được hết.
        Tại sao con luôn phải nhường nhịn anh? Tại sao mọi người trong nhà đều yêu quý anh hơn con? Tại sao con luôn bị mẹ mắng, còn anh thì không? Chẳng phải anh và con đều do mẹ sinh ra hay sao?... Những câu hỏi bất ngờ của cô con gái 9 tuổi, khiến người mẹ rưng rưng, không kìm được lòng.
        Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (Hà Đông, Hà Nội) kể lại. Chị Lan mang thai một lần rồi sinh đôi một cặp “Long - Phượng”. Chồng chị là con một, lại sống chung với bố mẹ chồng nên khi chị sinh đôi, mọi sự quan tâm của ông bà đều dành hết cho đứa cháu trai. Chị thì quá bận rộn, vừa làm việc ở cơ quan, hết giờ về lại chăm sóc gia đình nên chẳng mấy khi chú ý đến suy nghĩ của bọn trẻ.
         Quả thực, cũng nhiều lần chị sai đứa con gái nhỏ làm mấy việc lặt vặt như quét nhà, phụ mẹ nấu cơm, đôi lúc cầm giúp mẹ một vài thứ... Vì chị thường sai con gái làm giúp mình, nên mỗi khi cháu làm sai chị lại mắng để cháu làm lại. Nhưng chị đâu có ngờ, đứa con gái của chị lại quá “nhạy cảm” như vậy.
Trong một lần chị mắng con gái vì làm vỡ một chiếc cốc, thế rồi đứa bé bưng mặt khóc thút thít, nó vừa khóc, vừa hỏi chị nhiều câu khiến chị bất ngờ. Ngày hôm đó qua đi, cứ ngỡ con trẻ chỉ ghen tị một chút nên chị không để ý, cho đến một hôm chị Lan tình cờ đọc được cuốn nhật ký của con gái, dường như mỗi trang nhật ký đều thấm đẫm nước mắt của cô bé.
          Từng câu, từng chữ trong cuốn nhật ký đều thể hiện sự giận hờn với người mẹ của mình, đã không đối xử công bằng với cô bé. “Con ghét mẹ nhiều lắm, tại sao con bé hơn anh mà con luôn là người phải nhường nhịn anh? Con gái thì cũng là con của bố mẹ, con với anh được sinh ra trong cùng một trứng, chỉ khác là anh sinh trước, thế mà cả nhà luôn yêu quý anh, không bắt anh phải làm bất cứ việc gì...”, nhật ký của cô bé viết.
         Chị Lan tâm sự, đọc xong những dòng tâm sự của con gái, chị đã lặng lẽ khóc một mình, chị không biết rằng, chính sự vô tâm của chị đã làm tổn thương đến con như vậy.
        Qua câu chuyện của chị Lan cho thấy, sự bất bình đẳng thể hiện ngay trong chính gia đình chúng ta, từ trong những việc làm, cách ứng xử nhỏ nhất mà đôi khi chính chúng ta cũng chưa nhận thức được hết. Rồi cả quan niệm, phụ nữ có nghĩa vụ làm việc nhà mà không phải là cùng san sẻ với người chồng?
        Nhiều người cho rằng, đàn ông là trụ cột gia đình, có trách nhiệm ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình, nên không phải làm việc nhà. Tuy nhiên, xã hội hiện nay cũng có rất nhiều người phụ nữ cùng lúc phải làm tròn nhiều vai. Họ vừa phải làm công tác xã hội, về nhà lại phải chăm sóc gia đình.
        Sự bất bình đẳng không chỉ thể hiện trong gia đình mà còn hiện hữu cả bên ngoài xã hội. Như ở trường học, ngay trong các giờ học trên lớp, thầy cô luôn nhờ “em nữ lên xóa bảng cho thầy” hay là “em nữ đi giặt giẻ lau cho cô”… mà không phải là các em nam? Rồi ngay cả các hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa tiểu học, dạy trẻ phải biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ như quét nhà, nhặt rau… nhưng lại toàn lấy hình ảnh bé gái đang làm việc.
        Không những vậy, những hình ảnh minh họa về nghề nghiệp, những nghề lao động chất xám như kỹ sư, bác sỹ đều là những hình ảnh về con trai, còn khi minh họa về nông dân, công nhân… thì lại luôn là hình minh họa nữ.
       Ngay chính từ những điều tưởng chừng giản đơn như vậy, nhưng đã khiến cho trẻ hình thành lối suy nghĩ không tích cực ngay từ khi còn bé. Các trẻ nam cho rằng, việc giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà là việc của con gái mà không phải việc của mình.
      Sự bất bình đẳng giới còn thể hiện ngay trong cơ cấu tuyển dụng lao động, nhiều công ty, xí nghiệp thông báo chỉ tuyển dụng công nhân nam. Vì nữ giới thường phải trải qua quá trình sinh nở, nên sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến năng suất lao động của họ.
       Rồi ngay cả việc phân quyền quản lý trong các công ty, xí nghiệp cũng luôn ưu tiên cho nam giữ các vị trí quan trọng, vì họ quan niệm rằng, đàn ông sẽ có trách nhiệm hơn và có năng lực hơn phụ nữ…
     Sự bất bình đẳng giới thể hiện ở nhiều mặt của xã hội. Chúng ta phải biết cân bằng sao cho hài hòa, đừng để bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng ta.
                                  
                                                                                      Lê Thị Hồng Liên

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.