Tin tức > Nông thôn mới > BÌNH ĐẲNG GIỚI: XÓA BỎ BÌNH ĐẲNG GIỚI- CẦN NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ

BÌNH ĐẲNG GIỚI: XÓA BỎ BÌNH ĐẲNG GIỚI- CẦN NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ

25/11/2018

           Việt Nam đã có rất nhiều hành động nhằm giảm bớt sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Những hành động này đã được thể chế hóa thành chính sách nhà nước, thành văn bản luật, đơn cử như Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình.


         Tuy nhiên việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn khá nặng nề.
        Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường vẫn còn gây áp lực nặng nề cho không ít phụ nữ trong xã hội. Không hiếm gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ, lạnh nhạt với con gái.
           Mỗi năm, hàng nghìn vụ ly hôn vẫn diễn ra mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình, trong đó, phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Nhiều chị em vẫn cắn răng nín nhịn khi thường xuyên bị chồng ngược đãi, đánh đập mà không rõ nguyên nhân. 
           Trong guồng quay kinh tế thị trường, mặc dù cả đàn ông và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại phổ biến tình trạng hầu như công việc nội trợ, chăm sóc con cái và người già đau ốm trong gia đình được xác định là trách nhiệm của phụ nữ.
           Tuy Luật Bình đẳng giới đã được thực thi trong đời sống một thời gian, nhưng nhiều chị em vẫn không ý thức được quyền của mình. Chính sự bảo thủ trong định kiến giới được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam với những mức độ khác nhau, đã làm cản trở cơ hội học hành của các em gái, hạn chế khả năng cống hiến của người phụ nữ trong các hoạt động xã hội.
          Và đây cũng chính là sợi dây kéo trùng xuống tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội. Văn hóa gia đình là nền tảng của văn hóa xã hội.
        Vì thế, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình chính là cơ sở để thực hiện bình đẳng giới ngoài xã hội, nhằm tạo ra những công dân tốt có đầy đủ phẩm chất và tài năng góp sức cho sự phát triển của xã hội.   
         Từ lâu, một đứa trẻ lớn lên được dạy rằng, đàn ông sinh ra là để lo việc lớn, việc nội trợ nhỏ nhặt, tầm thường, rửa bát, nấu cơm, là việc của người phụ nữ sẽ ngấm sâu vào tiềm thức trong suốt cả quá trình nó lớn lên.
         Tư tưởng này sẽ tác động mạnh đến não của các em học sinh, theo thời gian nó trở thành định kiến một cách rất tự nhiên. Từ sách vở, việc áp dụng định kiến đó vào thực tế cuộc sống của các em cũng tự nhiên như thế. Định kiến đó lại được truyền lại cho các thế hệ sau như lẽ đương nhiên.
        Hình ảnh người phụ nữ, trẻ em gái thường gắn với việc lau nhà, rửa bát, đi chợ còn việc đá bóng, vi phạm Luật giao thông, xem ti vi thì nhất thiết là hình bé trai và bố. Những nội dung, hình ảnh này phản ảnh vị thế, vai trò phụ nữ luôn ở thế yếu, phụ thuộc nam giới.
          Nam giới là nhân vật chủ động, trụ cột gia đình, dũng cảm, hoạt động ngoài xã hội, người đạt trình độ chuyên môn cao như nhà khoa học, bác sỹ. Còn phụ nữ chỉ là người làm công việc đơn giản, gắn với nội trợ chăm sóc, con cái. Chính những hình ảnh này tạo ra định kiến về giới tính trong nhận thức của học sinh, dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
         Nhằm góp phần nâng cao vị thế của trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới, thiết nghĩ các thầy cô trong quá trình dạy cho học trò cũng cần có quan điểm, biết lồng ghép vấn đề định kiến giới như gợi vấn đề cho các em thảo luận liện hệ với bản thân, gia đình.
         Ngay từ bậc học mẫu giáo, giáo viên nên lồng ghép giáo dục giới tính cho các em từ những trò chơi. Trò chơi không phải đặc quyền riêng cho giới nào.
Chẳng hạn chơi búp bê, nấu ăn may vá, không chỉ là dành cho bé gái mà bé trai cũng có thể tham gia. Hoặc những trò chơi liên quan kỹ thuật như ô tô, máy bay, xe lửa vốn nhiều người nghĩ chỉ bé trai mới chơi thì bé gái cũng có thể tiếp cận.
       Ðể chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, điều thiết yếu quan trọng là phải nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền về giới trên diện rộng không chỉ với phụ nữ mà còn với nam giới.
       Công tác giáo dục về giới cần phải được tăng cường đẩy mạnh trong nội dung đào tạo đối với các đối tượng thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có sự hiểu biết, ý thức và trách nhiệm về giới trong việc xây dựng cuộc sống gia đình sau này.
        Chiến lược tuyên truyền, giáo dục nếu được thực hiện tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử gia đình giữa phụ nữ và nam giới, giữa bố mẹ và con cái, từ đó dần xóa bỏ định kiến và khoảng cách giới.
      Bình đẳng giới trong gia đình chỉ có thể đạt được khi bản thân người phụ nữ luôn có ý thức tự vươn lên học hỏi và khẳng định mình. Ðồng thời, người đàn ông cũng phải có ý thức chia sẻ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho người phụ nữ phát triển. 
                                                                                                                     Lê Thị Hồng Liên

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.