Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > CẢNH BÁO: CÚM GIA CẦM A/H5N8 LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TẠI VIỆT NAM

CẢNH BÁO: CÚM GIA CẦM A/H5N8 LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TẠI VIỆT NAM

23/07/2021

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút Cúm gia cầm (CGC) A/H5N8 tại 03 tỉnh: Hòa Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng. Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch CGC A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do: Vi rút CGC A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta; Với đặc điểm có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt chim hoang dã có thể nhiễm vi rút CGC A/H5N8 ở các nước và xâm nhiễm vào Việt Nam; Vi rút được phát hiện từ các gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng, đặc biệt được phát hiện từ giám sát chủ động tại các chợ buôn bán gia cầm sống, nơi việc mua bán vận chuyển, giết mổ gia cầm xảy ra thường xuyên, điều  kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo, việc truy xuất, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh còn gặp nhiều khó khăn; Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao trên tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; Thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm nuôi.

     Trên thế giới đã có trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm A/H5N8 cho người nhưng cho đến nay, chưa có bằng chứng nào về việc vi rút này gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người.
     Trước việc cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với tính chất phức tạp của loại cúm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Ngành Thú y triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh. Tất cả những đàn vật nuôi bị nhiễm cúm này sẽ bị tiêu hủy toàn bộ và xử lý an toàn sinh học khắt khe. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc xin cho loại cúm này.
     Trước mắt, để phòng bệnh người chăn nuôi nên sử dụng các loại vắc xin cúm gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus A/H5N6 để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao bởi theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus cúm gia cầm A/H5N6.
     Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A H5N8 sang người và khuyến nghị các hành vi sau:
- Đối với người chăn nuôi gia cầm: Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập;
     Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe gia cầm; Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương và không cho phép khách vào khu vực chăn nuôi
 
 
Hình: Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập (ST)
- Đối với những người buôn bán gia cầm và những người bán gia cầm tại chợ: Chỉ thu gom gia cầm từ nguồn rõ ràng được và bán ở những khu vực được phép trong chợ; Không bán gia cầm bên ngoài chợ; Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; Sử dụng giày dép riêng do các trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp khi cần vào khu  vực chăn nuôi;
Luôn rửa sạch giày dép của bạn khi bạn rời khỏi chợ có bán gia cầm.
- Đối với bác sĩ thú y và những người tham gia vào công tác đáp ứng dịch: Cần luôn sử dụng phương tiên phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm hay nghi ngờ nhiễm bệnh để giảm thiểu nguy cơ bị lây bệnh.
- Đối với cộng đồng: Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và thường xuyên trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật. Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng. Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm. Không ăn “tiết canh”. Tránh tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết. Nếu đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp. Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.
Trước tình hình trên, ngày 20/7/2021, UBND huyện Chư Sê cũng đã ban hành văn bản số 1234-UBND/NL về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác xâm nhiễm và lây lan vào địa bàn huyện, theo đó UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai:
+ Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm của gia đình; áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin CGC theo quy trình chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; có biện pháp ngăn chặn các loài vật trung gian truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi; chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; hàng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.
+ Triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi lần 2 năm 2021 trên địa bàn theo kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 05/7/2021 của UBND huyện Chư Sê; Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực nguy cơ cao như chợ buôn bán, cơ sở giết mổ, ổ dịch cúm gia cầm cũ,...
+ Chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm: kiểm soát nghiêm hoạt động giết mổ đảm bảo gia cầm đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh và đảm bảo vệ sinh thú y, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ trái phép trên địa bàn quản lý.
+ Thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh, báo cáo ngay về Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh để phối hợp và được hướng dẫn xử lý./.
Uyên Ny



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.