Tin tức > Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

17/09/2020

Kỳ II:
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI LẦN THỨ I
THÁNG 12 NĂM 1959

Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21 - 7 - 1954), hòa bình lập lại song đất nước ta tạm thời bị chia thành hai miền, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất đất nước.
Từ tháng 6 - 1954, đế quốc Mỹ âm mưu đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam lập chính phủ bù nhìn phản động, phá hoại Hiệp định, tiến hành chiến tranh một phía, đàn áp Nhân dân, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam và xóa bỏ ảnh hưởng của Đảng ta.
Nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ, sau Hiệp định Giơnevơ, Đảng ta kịp thời chuyển hướng tư tưởng, tổ chức, đề ra nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ để giữ hòa bình, củng cố và xây dựng lực lượng cách mạng.
Từ cuối tháng 8 - 1954, sau khi bàn giao địa bàn, rút quân về đồng bằng chuẩn bị tập kết, tỉnh Gia Lai phân công cán bộ xuống cơ sở, vùng mới giải phóng, chưa giải phóng và thị xã, thị trấn tuyên truyền giải thích ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định, tuyên bố của Chính phủ ta, giải đáp thắc mắc của quần chúng.

Cuối tháng 10 - 1954, tỉnh tổ chức Hội nghị cán bộ tại Tàlôk (Vĩnh Thạnh, Bình Định) học tập nghị quyết, chỉ thị của Liên Khu ủy V; quán triệt tình hình và nhiệm vụ, phương châm, phương pháp đấu tranh trong giai đoạn mới, gấp rút tổ chức, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở. Những năm đầu đấu tranh chính trị, phương châm chung của Đảng ta là: Bảo toàn cơ sở, tích lũy lực lượng, trường kỳ tồn tại, nắm vững ngọn cờ hòa bình thống nhất, vững bước đưa phong trào tiến lên. Từ phương châm chung quy định các phương châm cụ thể. Về tổ chức: Tinh giản, vững mạnh, nghiêm mật, trọng chất lượng. Về đấu tranh: Kết hợp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp với không hợp pháp, lấy hợp pháp và nửa hợp pháp làm chính; đấu tranh có lý, có lợi, đúng mức. Về phương châm hoạt động: Khéo công tác, khéo che giấu lực lượng.
Tháng 10 - 1954, Liên khu ủy V chỉ định Tỉnh ủy Gia Lai gồm 5 đồng chí: Trương An, Bí thư; Võ Trung Thành (Năm Vinh), Phó Bí thư; các đồng chí: Phạm Chánh (Sáu Thân), Đỗ Hằng (Hà), Siu Nang (Siu Tám) là Tỉnh ủy viên. Tháng 5-1955, đồng chí Trương An về Khu ủy V, đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) làm Bí thư, trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ. Đồng chí Nguyễn Hồng Ưng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Tỉnh Gia Lai được chia thành 9 khu (tương đương huyện, thị). Từ khu 1 đến khu 7 là vùng nông thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Khu 8 là thị trấn và vùng người Kinh An Khê. Khu 9 bao gồm vùng nội thị thị xã Pleiku, các đồn điền Biển Hồ, Bàu Cạn, Đak Đoa và vùng người Kinh phụ cận và vùng các làng đồng bào dân tộc thiểu số ven thị.
Tỉnh ủy chỉ định Ban cán sự Đảng các khu, mỗi Ban cán sự Đảng từ 3 đến 5 đồng chí và từ 5 đến 20 cán bộ phụ trách cơ sở. Đến năm 1955, các Ban cán sự các khu được bổ sung thêm đủ 5 ủy viên.
Tỉnh ủy lựa chọn 132 cán bộ dân chính và quân đội, sau bổ sung thêm 2 cán bộ hợp pháp (trong đó có 21 cán bộ người dân tộc thiểu số địa phương), là những đồng chí có kinh nghiệm trong công tác vùng địch và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bố trí ở lại công tác, bám địa bàn gây cơ sở, lãnh đạo phong trào quần chúng.
Do yêu cầu hoạt động bí mật, cơ quan Tỉnh ủy được thành lập gọn nhẹ với ba bộ phận: Văn phòng Tỉnh ủy, ban giao liên và bộ phận xây dựng căn cứ. Bộ máy Tỉnh ủy chỉ có 8 người, Văn phòng Tỉnh ủy do đồng chí Trần Như Trinh phụ trách.
Sau khi ổn định tổ chức, ngày 20 - 4 - 1955, Tỉnh ủy chuyển từ Bình Khê (Bình Định) lên làng Đe Mông, xã Đe Sơró, khu 7 (nay là huyện Kông Chro) để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Tháng 8 - 1955, cơ quan tỉnh dời lên làng Đe Bam (khu 7), đến cuối năm 1955 chuyển qua căn cứ phía bắc, đóng ở làng Klach, xã Bơnâm (khu 2).
Trong hai năm 1955 - 1956, Tỉnh ủy mở cuộc vận động “Giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở chính trị” trong toàn tỉnh; tổ chức các đợt sinh hoạt học tập xuống tận chi bộ nhằm nâng cao khí tiết cách mạng của người cộng sản trong cán bộ, đảng viên.
Tháng 02 - 1956, Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức đánh giá tình hình phong trào địa phương, quyết định đẩy mạnh công tác phát triển cơ sở, nhất là cơ sở vùng thị xã, thị trấn dọc đường giao thông vùng Tây đường 14.
Ngày 6 - 6 - 1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố đề nghị chính quyền Sài Gòn thực hiện quy định của Hiệp định về hiệp thương, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngày 16 - 7 - 1955, Ngô Đình Diệm tráo trở tuyên bố: Không ký Hiệp định nên bất cứ về phương diện nào cũng không bị ràng buộc[1].
Tháng 8 - 1955, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần 8 (Khóa II), Đảng ta nêu lên nhiệm vụ trước mắt: “Ra sức tập hợp lực lượng của toàn dân thành một Mặt trận rộng rãi có một cương lĩnh chung thích hợp để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, thực hiện thống nhất nước nhà”[2].
Thực hiện chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Gia Lai chủ trương phát động quần chúng đấu tranh chính trị trực diện, đòi ngụy quyền Sài Gòn hiệp thương, tổng tuyển cử, kết hợp với tiếp tục đòi quyền lợi về dân sinh, dân chủ, cứu đói, cứu đau.
Tháng 02 - 1956, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ hai đã họp kiểm điểm tình hình sau hơn một năm đấu tranh thi hành Hiệp định, đánh giá phong trào đấu tranh đòi hiệp thương. Tại Hội nghị này, Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh phát triển cơ sở, phủ kín “làng trắng, vùng trắng”, nhất là cơ sở thị xã, thị trấn, dọc trục đường giao thông và vùng Tây đường 14.
Tháng 03 - 1958, Tỉnh ủy họp Hội nghị mở rộng có bí thư các khu tham dự, kiểm điểm một năm chỉ đạo phong trào chống tố cộng. Tỉnh ủy chủ trương mở đợt vận động xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở chính trị lần thứ hai (1958-1959) với nội dung “thương dân, yêu nước đứng lên làm cách mạng”, “Ba yêu, ba ghét”. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gọi là “Phong trào đòi trả nợ xương máu, đứng lên giữ gìn đất nước” (Iung kơting, pơjing teh đak).
Ở Bắc An Khê, tỉnh thành lập bộ phận xây dựng căn cứ do đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Tân) cùng đồng chí Trịnh Văn Xử (Cư) và một số cán bộ người dân tộc địa phương. Căn cứ tỉnh gồm các làng thuộc xã Kon Hơnờng (khu 1), một số làng của xã Bơnâm (khu 2) và xã Lơpà (khu 3). Khi Tỉnh ủy chuyển lên căn cứ, đường dây liên lạc giữa tỉnh, huyện và xã đã được thông suốt. Các khu cũng tiến hành xây dựng căn cứ đứng chân, gọi là căn cứ lõm, dân sống hợp pháp.
Tháng 6 - 1958, Liên khu ủy V ra Nghị quyết về nhiệm vụ chuyển phong trào cách mạng lên theo hướng mới. Đồng chí Nguyễn Hồng Ưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai dự Hội nghị Liên Khu ủy V tiếp thu tinh thần “Đề cương cách mạng miền Nam”của đồng chí Lê Duẩn và Nghị quyết Hội nghị Liên khu ủy V. Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị mở rộng kiểm điểm tình hình trong tỉnh những năm 1955 - 1957; phổ biến tinh thần “Đề cương cách mạng miền Nam”, Nghị quyết Khu ủy về chuyển phong trào lên giai đoạn mới.
Trước khí thế vùng dậy của Nhân dân miền Nam, tháng 01 - 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 (Khóa II) phân tích tình hình, xác định đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam.
Tháng 8 - 1959, tại làng Klach (khu 2), Tỉnh ủy Gia Lai triệu tập Hội nghị quán triệt và học tập Nghị quyết 15, đề ra nhiệm vụ tiếp tục đưa phong trào trong tỉnh tiến lên theo tinh thần mới. Cuối 1959, Nghị quyết 15 được phổ biến đến cơ sở.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng miền Nam, Trung ương tăng cường cán bộ, bộ đội, vũ khí và phương tiện vật chất cho các tỉnh miền Nam. Tháng 9 - 1959, đoàn cán bộ quân sự, chính trị gồm 25 đồng chí, do đồng chí Bơhâm làm đoàn trưởng từ miền Bắc về căn cứ Hơnờng (khu 1) để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang. Trên cơ sở lực lượng du kích tại chỗ, ngày 23 - 10 - 1959, Tỉnh ủy quyết định thành lập 3 trung đội tập trung (mật danh là “làng”).
Qua 5 năm (1954 - 1959) lãnh đạo đấu tranh, xây dựng, phát triển, Đảng bộ có những bước trưởng thành vượt bậc. Được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tháng 12 - 1959, tại Đak Hlôh (khu 2), Tỉnh ủy Gia Lai quyết định mở Hội nghị đại biểu (được cấp trên chuẩn y như Đại hội), gồm 45 đại biểu được chỉ định từ các Đảng bộ khu và chi bộ trực thuộc. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7 - 1954) đến cuối năm 1959 và đề ra phương hướng nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.
Đồng chí Nguyễn Mô (Tư Khiêm), Khu ủy viên, Bí thư Liên Tỉnh ủy 4 tham dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã trình bày Báo cáo chính trị, báo cáo xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa của nhân dân trong tỉnh; báo cáo công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 13 đồng chí (9 Tỉnh ủy viên chính thức và 4 Tỉnh ủy viên dự khuyết) do đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) làm Bí thư.
Đại hội Đảng bộ Gia Lai lần thứ nhất đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của Đảng bộ về lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống Mỹ - Diệm, giữ gìn và phát triển lực lượng, cơ sở, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ, đoàn kết tập hợp đông đảo mọi tầng lớp quần chúng trong phong trào cách mạng địa phương. Đại hội nâng cao lòng tin tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng và Đảng bộ. Đại hội đã mở ra một thời kỳ chuyển phong trào lên mạnh mẽ, liên tục tiến công địch trên cả ba vùng theo tinh thần Nghị quyết 15. Tuy nhiên, Đại hội cũng chưa thể hiện rõ nét đường lối, phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Các mặt hạn chế này được Tỉnh ủy chỉ đạo bổ sung uốn nắn trong những năm tiếp theo.
 
[1]. Nam Trung Bộ kháng chiến (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr 238.
[2]. Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, t.16, tr.571.


                                                                                                                                                     (còn nữa)
 
Phạm Thị Thuận

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.