Tin tức > Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

17/09/2020

1. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12-14/11/2017 tại thủ đô Ma-ni-la (Phi-líp-pin). Các Hội nghị đã tạo những dấu ấn tốt đẹp, khép lại một năm thành công rực rỡ của năm kỷ niệm “vàng” 50 năm thành lập ASEAN:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ,
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Quang Hiếu.
 
   Thứ nhất, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận các thách thức và xu hướng đang nổi lên ở khu vực và thế giới gồm: (i) Biện pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (ii) Đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, chống lại xu thế bảo hộ, thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do; (iii) Đẩy mạnh các hoạt động hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm, phát triển bền vững và bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển; (iv) Đề cao và tôn trọng pháp luật trong xây dựng cộng đồng, trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực (như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp trên biển Đông, tình hình bang Ra-khin của Mi-an-ma; chống khủng bố...).
 
   Thứ hai, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư và thông qua 55 văn kiện khác thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện giữa ASEAN và đối tác).
 
   Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp vào thành công chung của các Hội nghị. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng với những đề xuất theo 3 trọng tâm hợp tác: (i) làm mới bản sắc cộng đồng ASEAN trên nền tảng của gắn kết và hội nhập toàn diện, tạo dựng thành quả chung mang tên ASEAN; (ii) đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (iii) phát huy vai trò trung tâm, vị thế và tự cường của ASEAN, được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao. Tại các hội nghị Cấp cao khác, Thủ tướng đều có phát biểu đóng góp, chia sẻ các đánh giá và đề xuất phương hướng, biện pháp thiết thực để làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; chia sẻ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình tại bang Ra-khin của Mi-an-ma. Những đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, tiếp nối thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực.
 
   2. Về việc giải thể đảng đối lập chính tại Cam-pu-chia: Ngày 16/11/2017, Tòa án Tối cao Cam-pu-chia đã ra phán quyết giải thể đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) và cấm 118 thành viên lãnh đạo cấp cao đảng này hoạt động chính trị trong 5 năm do đã vi phạm Luật Chính đảng sửa đổi, có hành vi câu kết với nước ngoài, nhằm lật đổ Chính phủ Cam-pu-chia. Trong ngày xét xử, an ninh được tăng cường tại thủ đô Phnôm pênh và không xảy ra biểu tình.
 
   Sau khi Tòa án Tối cao Cam-pu-chia ra phán quyết giải thể đảng CNRP, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen tuyên bố cuộc tổng tuyển cử năm 2018 vẫn tiếp tục diễn ra theo đúng kế hoạch; khẳng định các thành viên của đảng CNRP đối lập không nằm trong diện bị cấm hoạt động chính trị có thể thành lập một đảng mới.
 
   CNRP ra đời năm 2012 trên cơ sở hợp nhất giữa Đảng Sam Rainsy và Đảng Nhân quyền. Trước khi bị giải thể, CNRP là đảng đối lập duy nhất có ghế trong Quốc hội Cam-pu-chia, chiếm 55 trong tổng số 123 ghế nghị sĩ; số còn lại do Đảng Nhân dân Cam-pu-chia cầm quyền nắm giữ.
 
   3. Dư luận quốc tế xung quanh việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en: Ngày 07/12/2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố chính thức công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en và có kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ tới thành phố này sẽ diễn ra trong vài năm.
 
   Ngày 08/12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã tổ chức họp khẩn. Tại cuộc họp, các nước: Thụy Điển, Ai Cập, Anh, Pháp, Bô-li-vi-a... tái khẳng định quan điểm, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã phá vỡ giải pháp hai nhà nước đối với xung đột giữa I-xra-en và Pa-lex-tin, một nền tảng lập trường lâu dài của Liên Hợp quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột này. Phía Pa-lex-tin kêu gọi Hội đồng Bảo an, Liên Hợp quốc lên án việc Mỹ vi phạm lập trường của Hội đồng Bảo an, Liên Hợp quốc, đó là: quy chế của Giê-ru-xa-lem chưa được giải quyết và vấn đề này nên được đàm phán dựa trên giải pháp hai nhà nước. Các nước A-rập kêu gọi Mỹ hủy bỏ quyết định trên và cho rằng, động thái này sẽ làm gia tăng bạo lực trong khu vực.
 
   Quan điểm của Việt Nam: “Việt Nam có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với tất cả các quốc gia Trung Đông, trong đó có Pa-lex-tin, I-xra-en. Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực khu vực, quốc tế và các bên liên quan nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, đem lại hòa bình bền vững và lâu dài cho Trung Đông, vì lợi ích và sự phát triển của tất cả các nước trong khu vực, đóng góp chung cho hòa bình khu vực và thế giới. Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán về việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Pa-lex-tin cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước I-xra-en với đường biên giới trước năm 1967. Việt Nam cho rằng, mọi giải pháp liên quan đến Giê-ru-xa-lem cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các Nghị quyết của Liên Hợp quốc, với sự đồng thuận của các bên liên quan”./.

 

Nguyễn Hoàng (tổng hợp từ nguồn BTGTW)

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.