Tin tức > Nông thôn mới > THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾ

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

22/03/2023

Ngày 22/3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 638/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.


Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH của Bộ NN&PTNT. Gắn nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển rừng bền vững, xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa và triển khai các nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 150/QĐ- TTg và Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH gắn với trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

1thuhoach-6687.jpg
                                                    Ảnh minh họa. Nguồn:baogialai.com.vn
 
Theo đó, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 6,25 - 6,5% năm trở lên. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 6 - 7%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 45%; hình thành và công nhận 30 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Thành lập từ 5 - 10 khu nông nghiệp và 01 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt từ 11-13%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt trên 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng từ 6 - 7%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; trên 85% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng cao hơn từ 1,8 - 2,5 lần so với năm 2020.

Phấn đấu đưa Gia Lai trở thành Trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường ở nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2030, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ và cây trồng đa mục đích). Tiếp tục trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác đạt bình quân 8.000 ha/năm. Phát triển dược liệu dưới tán rừng đạt tối thiểu 11.00ha. Giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2%/năm, giai đoạn 2026 - 2030, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 98%. Đến năm 2025, có trên 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 65%) trong đó: có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trên 18%), có 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu (trên 4%); số địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới có 10 địa phương (trên 58%). Đến năm 2030, có từ 150 trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (trên 82%) trong đó: có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trên 20%), có từ 8 xã trở nông thôn mới kiểu mẫu (trên 5%); số địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới có 12 địa phương (trên 70%)…

Về tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Gia Lai là một trong những tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trong cả nước và không còn hộ nghèo với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sâu tại các vùng sản xuất; xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Xây dựng nông thôn văn minh, xanh, sạch, đẹp gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc, quy hoạch cảnh quan kiến trúc nông thôn với điều kiện sống, thu nhập cư dân nông thôn tiệm cận với khu vực thành thị. Xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại điện tử, logistic nông nghiệp, phát triển và kết nối với chuỗi cung ứng nông sản; hình thành được những vùng trọng điểm về phát triển du lịch nông nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển hạ tầng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn; phát triển toàn diện, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.

Đồng thời, tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu về đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chú trọng các giải pháp về liên doanh, hợp tác, liên kết. Hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá; tổ chức giám sát, đánh giá các chương trình, đề án thực hiện Kế hoạch theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất./.​

Hoàng Thảo



 

Các tin khác

Displaying results 1-5 (of 42)
 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9  >  >| 

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.