Huyện Chư Sê chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
09/08/2022
Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chư Sê đạt kết quả khá tốt. Huyện luôn chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm dưới nhiều hình thức. Lao động đã qua đào tạo tìm được việc làm chiếm tỉ lệ cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã kết hợp với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giới thiệu việc làm cho người lao động. Sau học nghề người lao động đã áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn để sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được nâng lên.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chất lượng nguồn lao động của huyện Chư Sê, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Giai đoạn từ năm 2010-2015 huyện đào tạo được 1.748 lao động. Giai đoạn từ năm 2016-2021 huyện đào tạo được 760 lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn được cải thiện đã có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 11/14 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một trong những tiêu chí hàng đầu thực hiện việc giảm nghèo bền vững của huyện là đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó mục tiêu phấn đấu là tạo mọi điều kiện để ổn định phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Với tiêu chí ấy, bằng nhiều nguồn lực, huyện đã nỗ lực giải quyết việc làm mới và đào tạo đúng hướng theo kế hoạch đề ra. Nhờ đó, huyện Chư Sê đã hạn chế được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đồng thời đã tăng cường sự hợp tác, tạo điều kiện đưa người lao động qua đào tạo đi làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan đầy đủ, thường xuyên nên tỷ lệ người lao động tham gia học nghề còn thấp. Có những địa phương chỉ tổ chức được 1-2 lớp học nghề trong suốt 10 năm triển khai thực hiện. Hầu hết học viên học nghề nông nghiệp chỉ mới dừng lại ở mức áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ít học viên có thu nhập ổn định từ mô hình nông nghiệp hoặc có hướng đi mới trong canh tác sản xuất ....
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng: Các cấp ủy đảng quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đưa chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện, làm cơ sở đánh giá hiệu quả triển khai đào tạo nghề hàng năm và giai đoạn.
Hai là, làm tốt công tác dự báo về cung cầu lao động theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề tại địa phương và trong khu vực. Tăng cường kết nối thông tin với thị trường lao động trong nước và nước ngoài để có kế hoạch đào tạo hợp lý, chất lượng, hiệu quả thiết thực.
Ba là, chọn lọc những nghề đào tạo hiệu quả để tiếp tục đào tạo cho giai đoạn tiếp theo. Không đưa vào đào tạo những nghề khó tìm kiếm việc làm hoặc không phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới. Việc tổ chức thực hiện phải có sự kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa cơ sở dạy nghề với học viên, giữa mô hình sản xuất của người lao động với địa chỉ đầu ra.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy