Tháng 9/2019 vừa quan, Đoàn công tác do PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Chư Sê
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Huyện ủy Chư Sê
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Linh, Phó bí thư - Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 -2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 -2025 trên địa bàn huyện. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng. Dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 33%, công nghiệp-xây dựng 35,2%, dịch vụ 31,8%. Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng-chống dịch bệnh. Ước tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt 32.550 ha, tổng sản lượng lương thực ước đạt 30.710 tấn, trong đó, sản lượng lương thực có hạt là 18.803 tấn. Diện tích, sản lượng một số cây trồng chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cao su phát triển tương đối ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm.
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm thu ngân sách của huyện đạt bình quân 75,5 tỷ đồng/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đến năm 2020 đạt 306,88 tỷ đồng. Tổng mức bá lẻ hàng hóa ước đạt 1.534 tỷ đồng. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3% và ước đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo bình quân đạt 36%/năm; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 8,3; số bác sĩ/vạn dân là 3,2. Độ che phủ rừng 27.2%.
Sau khi nghe lãnh đạo huyện Chư Sê trình bày sơ bộ về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những nỗ lực mà huyện đã thực hiện trong thời gian qua. Nhất là những tiềm năng về phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu và du lịch.
Qua buổi làm việc, các thành viên trong Tổ tư vấn đã đưa ra một số ý kiến góp ý cho huyện nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng việc định hướng giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, tiếp tục có thêm những cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, để khai thác các tiềm năng về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân.
Huy Hoàng