Thông tin tuyên truyền > Vệ sinh môi trường, rác thải > Mệnh lệnh khẩn cấp để quyết tâm hành động vì môi trường

Mệnh lệnh khẩn cấp để quyết tâm hành động vì môi trường

09/06/2022

  Chỉ một Trái đất” với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên” là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2022. Thông điệp này cùng với mục tiêu “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học đã phát đi mệnh lệnh khẩn cấp để các quốc gia phải quyết tâm hành động vì môi trường.
  Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát động Tháng hành động vì môi trường năm 2022 - Ảnh: VGP
 

  Sáng 28/5, Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) và Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2022.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại, nhưng chúng ta chỉ có một Trái đất.
Vì vậy, một lần nữa "Chỉ một Trái đất" với phương châm trọng tâm "sống bền vững hài hòa với thiên nhiên" tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2022.
Thông điệp này cùng với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống" của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học đã phát đi mệnh lệnh khẩn cấp để các quốc gia phải quyết tâm hành động.
"Chúng ta không được quên rằng chỉ có duy nhất một ‘Ngôi nhà tự nhiên’ chung cho muôn loài. Cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

"Với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân" – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
 
Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam, khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo con đường "xanh", hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Các chủ trương, cam kết chính trị đã và đang tiếp tục được thể chế hóa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Để chuyển hóa được những thách thức và hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới, thông điệp của Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm 2022 và nhân dịp phát động Tháng hành động vì môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương 6 nội dung cụ thể.
Trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.
Thứ hai, tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.
Thứ ba, có kế hoạch cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước.
Thứ tư, thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.
Thứ năm, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; Tăng cường các hoạt động phòng chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.
Cuối cùng là, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu toàn cầu.
 

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.