Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Huyện Chư Sê quan tâm công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Huyện Chư Sê quan tâm công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

25/07/2022

 
 Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được triển khai đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Lấy hạnh phúc gia đình làm động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từng bước phát huy những giá trị, truyền thống quý báu, tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực của gia đình nhằm góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác gia đình; hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác gia đình trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là:
 

     Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác gia đình vào Nghị quyết BCH Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND; Kế hoạch UBND huyện giao trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện. Thành lập Ban Chỉ đạo “Công tác gia đình” và Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện hợp nhất thành một và có tên gọi là Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện. Tổ chức bộ máy tương đối ổn định, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Hướng dẫn, xác định lại chức năng, nhiệm vụ của bộ máy phụ trách công tác gia đình của các xã, thị trấn và thành lập Ban Chỉ đạo gia đình cấp xã, thị trấn; triển khai thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình”, đường dây nóng về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình tại thôn, làng. Ở các xã, thị trấn cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm công tác gia đình.
Năm 2022, trên địa bàn huyện có 126/126 tổ hòa giải (kiêm nhiệm hòa giải, giải quyết các vụ việc liên quan đến gia đình, bạo lực gia đình tại thôn, làng, tổ dân phố); 15 người/15 xã, thị trấn có cán bộ, công chức phụ trách kiêm nhiệm công tác gia đình; có 20 Câu lạc bộ hoạt động với tên gọi “Gia đình phát triển bền vững”, “Phụ nữ nuôi dạy con tốt”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Nói không với nạn tảo hôn”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; 50 mô hình địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình ở thôn, làng.
     Công tác gia đình được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của huyện. Công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình, ly hôn, tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số được lồng ghép thực hiện thường xuyên gắn với phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy vai trò của người uy tín tại cộng đồng, các tổ hòa giải để giải quyết các vụ việc, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới giữa nam và nữ, qua đó làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững và cần xem phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai.
      Công tác xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện tốt ở các khâu tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia thực hiện xây dựng gia đình văn hóa; tổ chức việc bình bầu gia đình văn hóa công khai, dân chủ từ khu dân cư; hướng dẫn cơ sở nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.
      Công tác xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được chú trọng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, ổn định chính trị, quốc phòng an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tinh thần yêu nước được phát huy, các tập tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi; khoa học công nghệ được phổ biến ứng dụng vào sản xuất và đời sống, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi phù hợp với từng vùng, từng địa phương và sản xuất hàng hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn huyện còn một số hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác gia đình và hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình nói chung, hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương xảy ra bạo lực gia đình trong việc thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình còn chưa đồng bộ, chưa thực sự đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả…
     Để tiếp tục thực hiện tốt công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
     Một là, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030” trên địa bàn huyện Chư Sê.
     Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác gia đình trong giai đoạn mới.
     Ba là, duy trì, củng cố chất lượng gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 87%. Duy trì hoạt động các mô hình “Địa chỉ tin cậy”, can thiệp phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. Gắn thực hiện “xây dựng gia đình văn hóa” với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư.
 

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.