Chuyên mục Thông tin tuyên truyền > Định hướng quy hoạch, kế hoạch > Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

02/10/2023

(MPI) - Chiều ngày 11/8/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư tỉnh ủy tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tham dự Hội nghị.



Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Gia Lai là tỉnh cao nguyên, biên giới nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên; có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; có cửa khẩu quốc tế, có sân bay, có nhiều tuyến giao thông của quốc gia đi qua địa bàn tỉnh; có vị trí chiến lược, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt về du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng, động lực kinh tế tại tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao, chưa đồng bộ; tỷ lệ đô thị hóa thấp; khoa học công nghệ chưa phát triển, đặc biệt trong nông nghiệp công nghệ cao; việc quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên, công tác bảo vệ rừng và chất lượng nhân lực còn có những hạn chế.

Về quy hoạch tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quy hoạch tỉnh được lập trong bối cảnh có những thuận lợi vì đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua; 14 Quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan trong quá trình lập và hoàn thiện quy hoạch tỉnh và nhấn mạnh, công tác quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng; theo đó, quy hoạch cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Quy hoạch cần chủ động kiến tạo tương lai phát triển cho địa phương trong giai đoạn 2021-2030 và xa hơn nữa đến năm 2050, chứ không chỉ dựa nào tiềm năng, lợi thế sẵn có hay là thích ứng, đối phó với những khó khăn, thách thức. Do vậy, trong mỗi bản quy hoạch cần có sự tiếp thu sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện mới, thách thức mới.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc lập quy hoạch tỉnh là cơ hội quý để Gia Lai tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, để từ đó đưa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển cho thời kỳ quy hoạch.

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, trong suốt thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã quyết liệt trong việc xây dựng quy hoạch theo quy định. Mặc dù có nhiều điều kiện, tiềm năng, cơ hội nhưng đến nay tỉnh phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng vốn có của tỉnh. Vì vậy, tỉnh Gia Lai xác định việc xây dựng quy hoạch với kỳ vọng lớn là phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong giai đoạn tới.

Tỉnh Gia Lai mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan; mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để tiếp tục chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và sát sao, đặt kỳ vọng rất lớn và đặt ra yêu cầu Dự thảo Quy hoạch tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển; xây dựng Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế - xã hội và môi trường.

Đây là lần đầu tiên các quy hoạch ngành, lĩnh vực tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; đồng thời, các quy hoạch cấp quốc gia và cấp Vùng được lập song song; nhiều quy hoạch ngành quốc gia chưa được phê duyệt; quá trình hoàn thiện quy hoạch tỉnh vừa bổ sung, cập nhật để đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; Tuy nhiên, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành Trung ương.

Đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.

Tỉnh Gia Lai xác định nội dung cốt lõi, chiến lược của quy hoạch tỉnh gồm: 5 đột phá lớn; 5 nhiệm vụ trọng tâm. Xác định mục tiêu đến năm 2030: Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Đến 2050 là một “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”. Xác định mô hình cấu trúc không gian tỉnh Gia Lai là: “1 tâm - 2 cửa ngõ - 3 trục - 4 tiểu vùng”, sẽ phát huy tiềm năng và lợi thế chính trị, kinh tế - văn hóa, tạo dựng các trung tâm, các trục hành lang, vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai.

Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đánh giá, quy hoạch tỉnh Gia Lai được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phân tích dựa trên hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ và tin cậy về hiện trạng, tiềm năng phát triển đảm bảo tính khả thi. Đây là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực được được phê duyệt, đồng thời cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 và đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực của tỉnh thông qua 38 phương án tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.

Các ý kiến, tập trung vào các nội dung liên quan đến căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; Sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND thành phố và cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Gia Lai; Sự phù hợp của nội dung quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 Luật Quy hoạch về nội dung quy hoạch tỉnh.

Đồng thời đánh giá vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia; các điểm nghẽn phát triển và tiềm năng, cơ hội của tỉnh trong kỳ quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; Tổ chức phân bố không gian của tỉnh trong kỳ quy hoạch;  Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong kỳ quy hoạch; Phân bổ nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch.

Hội đồng cũng cho ý kiến đối với Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Gia Lai; đối với dự thảo Báo cáo thẩm định do Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định chuẩn bị.

Phát biểu tiếp thu giải trình sơ bộ các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long thay mặt cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai cảm ơn những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm, góp ý cho quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục hoàn thiện báo cáo quy hoạch chất lượng hơn.

Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý; chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn và các cơ quan có liên quan tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh theo kết luận của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ gửi Cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh; trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Trương Hải Long nhấn mạnh, tỉnh Gia Lai mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện sau này.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:MPI

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành chương trình đề ra; tiến hành biểu quyết vào phiếu đánh giá đối với Quy hoạch tỉnh, Báo cáo ĐMC và dự thảo Báo cáo thẩm định với kết quả 100% đồng ý thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan chủ trì lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến; trong đó tập trung vào các nội dung như đánh giá phân tích việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước, xác định các điểm nghẽn và có giải pháp cho giai đoạn tới; chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng; bổ sung nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp sếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; rà soát phương án phát triển đô thị bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; tổng hợp, cập nhật các nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành đã phê duyệt vào quy hoạch để đảm bảo tính tuân thủ, kế thừa.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến các nội dung cụ thể về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực về xác định các ngành ưu tiên, cần bám sát Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng;... từ đó cụ thể hóa trong quy hoạch tỉnh; biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế; cần làm rõ lộ trình kết nối với các tỉnh trong vùng; lấy quy hoạch là cơ sở quan trọng trong phát triển…

Trên cơ đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Gia Lai khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng rà soát lại việc tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ Quy hoạch; Rà soát, xem xét các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo đáp ứng được công tác quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; Lập Báo cáo tiếp thu, giải trình bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia, ý kiến tham gia của các đại biểu; Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch. Chịu trách nhiệm về tính chính xác về nội dung, thông tin, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng nhấn mạnh thêm, quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 sau khi được phê duyệt cần phải tạo được dấu mốc giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai, phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo, giúp Gia Lai phát triển nhanh và bền vững được thiết lập trên các nền tảng cơ bản, bao gồm tiềm năng phát triển du lịch - dịch vụ - logistic, với các loại hình dịch vụ trọng tâm là du lịch sinh thái, gắn với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc với không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; dịch vụ logistics; Phát triển nông nghiệp với ứng dụng công nghệ cao; Phát triển công nghiệp có chọn lọc gắn với phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo./.


Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.