Chuyên mục Thông tin tuyên truyền > Vệ sinh an toàn thực phẩm > Cảnh báo nguy cơ ngộ độc do chế biến thịt cóc không đúng cách

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc do chế biến thịt cóc không đúng cách

26/01/2024

 

Trong dân gian, thịt Cóc được sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho người và trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn nhờ chứa lượng đạm và kẽm cao. Tuy nhiên, một số bộ phận trong cơ thể chúng lại tiềm ẩn độc tố có thể gây chết người.



Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng, thịt Cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn (trong 100 g bột Cóc ăn được có 55,4 g đạm và 65 mg kẽm). Lượng đạm trong thịt Cóc có giàu thật nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp trẻ ăn tốt cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém.
 
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng khuyến cáo: Cóc có chứa độc tố ( nhựa Cóc ) trong một số bộ phận. Trong đó, nhựa Cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da Cóc), trong gan và buồng trứng .
 
I. NGUYÊN NHÂN GÂY NGỘ ĐỘC TỪ THỊT CÓC.
 
Bản thân thịt Cóc không có độc, nhưng một số bộ phận trong cơ thể chúng lại có chứa độc tố Bufotoxin - một chất độc có thể gây chết người chỉ trong thời gian rất ngắn. Độc tố này được tìm thấy ở gan, trứng, da, mủ Cóc (nọc Cóc có dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của Cóc.
 
Độc tố của Cóc là hợp chất Bufotoxin có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, gây hạ huyết áp... Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài Cóc.
 
Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt... Các tuyến trên da Cóc bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian gọi là “nhựa Cóc". Đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu .
 
Ngoài ra, một số loài Cóc còn chứa cả độc tố Tetrodotoxin (loại độc có ở cá nóc) - gây hại cho thần kinh thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
 
Độc tố trong thịt Cóc không bị nhiệt phân hủy dù nấu chín hay đun sôi chất độc vẫn tồn tại, nên trong quá trình chế biến không an toàn vô tình khiến độc chất của Cóc bị dây vào thịt Cóc dẫn đến tình trạng ngộ độc khi ăn.

z5107258747886_31cc324cba4134fb9601a09c461649fb.jpg
Thịt cóc là một loại thực phẩm tốt nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua sự nguy hiểm do chất độc có chứa trong da, nội tạng của cóc.
 
II. TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH XỬ TRÍ NGỘ ĐỘC THỊT CÓC.
 
1. Triệu chứng:
 
Chất nhầy bài tiết của Cóc có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng tại một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng…
 
Độc tố này được hấp thụ rất nhanh qua đường tiêu hóa, triệu chứng ngộ độc thường xảy ra khoảng 1 giờ sau khi ăn, sớm hơn là từ 15 - 30 phút .
 
Ban đầu, nạn nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân . Kế đến là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp .
 
Sau đó là xuất hiện các triệu chứng giống bệnh suy tim như loạn nhịp tim,... nặng hơn là tử vong ngay sau vài giờ .
 
2. Cách xử trí:
 
Người bị ngộ độc bởi độc tố Cóc có tỷ lệ tử vong rất cao, do đó cần phát hiện sớm, và thực hiện các biện pháp sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những Trung tâm y tế/Bệnh viện.
 
Trường hợp người bệnh có dấu hiện ngộ độc sớm còn tỉnh táo: Cần gây nôn chủ động đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở để cấp cứu.
 
III. PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC DO ĂN THỊT CÓC.
 
1. Phòng tránh ngộ độc do ăn thịt Cóc:
 
Để tránh ngộ độc thực phẩm do ăn thịt Cóc, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các chế phẩm thịt Cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm , thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
 
Không sử dụng Cóc tía (Cóc có mắt màu đỏ) để ăn. Chỉ dùng thịt, xương để chế biến thành thực phẩm và sơ chế thịt Cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch).
 
2. Khuyến cáo:
 
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của con người, khi sử dụng thịt Cóc làm thực phẩm cần lưu ý một số điều sau đây:
 
- Không sử dụng Cóc tía (Cóc có mắt màu đỏ) để ăn.
 
- Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước chảy, nước sạch…
 
- Chỉ nên sử dụng các chế phẩm thịt Cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
 
- Chỉ dùng thịt, xương để chế biến thành thực phẩm và sơ chế thịt Cóc theo đúng quy trình./.
 
Nguồn: Ủy ban nhân dân xã Ia Tiêm.
 

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.