CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Chính sách, ưu đãi, cơ hội đầu tư > Dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cải thiện thu nhập cho người dân vùng khó Ayun

Dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cải thiện thu nhập cho người dân vùng khó Ayun

28/09/2021

     Để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm và cải thiện thu nhập, tháng 6/2021, phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Chư Sê đã phối hợp với UBND xã Ayun triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây ngô CP511”thuộc dự án “Ứng dụng Khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại xã đặc biệt khó khăn Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai”,với tổng diện tích 10ha, đến nay qua 3 tháng gieo trồng đã cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha.


Hình ảnh người dân tham gia đánh giá hiệu quả mô hình thâm canh cây ngô tại hội thảo. Ảnh: HV
     Tham gia mô hình trồng ngô lai CP511, các hộ dân sẽ được Phòng NNPTNT huyện Chư  Sê hỗ trợ giống ngô lai, phân bón, thuốc BVTV…. và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng qua từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Đồng thời trong quá trình trồng bà con được cán bộ khuyên nông huyện cùng Hội Nông dân xã đến từng thửa ruộng hướng dẫn kỹ thuật từ khâu cày bừa đất, gieo hạt, bón phân, phun thuốc …
     Nếu như trước đây bà con nông dân trồng bắp theo phong tục tập quán lạc hậu, chủ yếu làm theo phương pháp thủ công, dùng cây chọt lỗ rồi bỏ hạt bắp xuống và chờ đến ngày thu hoạch nên năng suất bắp luôn thấp, bình quân chỉ từ 4-5 tấn/ha. Kể từ khi được Phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng và chú trọng trong khâu cày bừa cho đất tơi xốp sau đó tỉa bắp theo từng hàng và chăm sóc theo đúng sự hướng dẫn của dự án, nhờ thế mà tại thời điểm này mô hình trồng ngô CP511 trên địa bàn xã Ayun đã thu hoạch, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha, bà con dân làng nơi đây rất vui mừng và phấn khởi vì một mùa bội thu. “Nhà tôi tham gia mô hình trồng bắp sau 3 tháng đã cho thu hoạch; nếu sau này có chương trinh mình muốn tham gia tiếp, vì so sánh cây ngô  với các loại giống khác thì cây ngô hiệu quả đạt cao hơn; sau vụ thu hoạch ngô thì trồng thêm được vụ đậu đen nữa nên có thu nhập cao hơn. Mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư đề án để người dân được tham gia”, anh Đinh Thớch- làng Keo-Ayun chia sẻ.
 

Người dân xã Ayun đến tham gia hội thảo đầu bờ tại mô hình thâm canh cây ngô tại làng Keo. Ảnh: HV
     Giống ngô lai CP511 có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 90 đến 100 ngày, góc lá hẹp thân cứng nên thích hợp trồng mật độ dày, có khả năng chống chịu được với các điều kiện thời tiết bất lợi cũng như kháng sâu bệnh tốt, lá bì bao kín bắp, bắp to, hạt dày, lõi nhỏ. Đặc biệt là độ kết hạt cao, thích ứng  trong điều kiện khô hạn nên rất phù hợp với địa hình đất màu và đất lúa của xã Ayun. Kỹ thuật trồng bắp cũng không quá khó, quan trọng nhất là khâu làm đất, cày, xới cho đất tơi xốp và tiến hành bón vôi để khử độ chua của đất. Trồng theo phương thức hàng đơn hoặc theo phương thức hàng kép với khoảng cách hàng hẹp 40cm, khoảng cách cây 20cm ( tương ứng mật độ 95.000 cây/ha), tùy theo góc lá của ngô sử dụng. Giai đoạn đầu khi mới xuống giống từ 5-7 ngày phun thuốc trừ cỏ.
Theo nhận xét của các hộ dân được chọn tham gia mô hình trồng ngô lai CP511 trên địa bàn xã Ayun so với cách làm truyền thống trước đây sản lượng ngô hàng năm luôn thấp, nhưng kể từ khi bà con làm theo cách hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện Chư Sê và Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai, năng suất, chất lượng ngô cao hơn, được thương lái đến tận nơi thu mua nên bà con nông dân yên tâm sản xuất. Với giá bắp trên thị trường hiện nay 5.200 đồng/kg, trung bình 1ha thu được từ 32 -39 triệu đồng, so với giống ngô ngoài mô hình lợi nhuận cao hơn từ 5 đến 6 triệu đồng/ha. Anh Đinh Y Von-làng Vương Chép-ayun cho biết:“Hôm nay tham gia hội thảo đầu bờ mô hình ngô tại làng Keo tôi thấy mô hình này rất là năng suất cao; nên rất muốn làm mô hình này. Đề nghị chính quyền địa phương qua tâm đầu tư giống vốn, hướng dẫn kỹ thuật để người dân tham gia sản xuất nâng cao thu nhập cải thiện đời sống”
     Thời gian qua, để giúp cho người nông dân tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã Ayun triển khai các mô hình chuyển giao khoa học-công nghệ như: mô hình trồng thâm canh cây ngô; thâm canh cây cỏ để phát triển đàn bò; mô hình lai cải tạo đàn bò, nuôi bò sinh sản,… đến nay các mô hình đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người ĐBDTTS trong trồng trọt, chăn nuôi. Bà Phạm Thị Huệ-Phó chủ tịch UBND xã Ayun cho biết:“Thời gian qua xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện đưa các mô hình xuống để cho bà con tiếp cận phát triển kinh tế theo đề an NTM; qua thời gia thực hiện đến nay đa số bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống được cải thiện hơn nhiều. Trong đó bà con đã biết chuyển đổi trồng lúa một vụ sang trồng lúa hai vụ, nếp nghĩ cách làm của bà con đã có nhiều thay đổi đã biết trồng bắp lai, trồng cỏ chăn nuôi bò. Tham gia mô hình này thấy năng suất cao hơn so với mọi khi nên bà con rất là phấn khởi và hy vọng sẽ được tiếp tục tham gia trong năm tới”
 
 
Lãnh đạo xã Ayun tham gia kiểm chứng hiệu quả mô hình ngô lai tại làng Vương. Ảnh:HV
     Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng NN huyện thâm canh cây ngô tại Ayun không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần cải tạo ruộng đất bạc mầu; phần thân cây sau khi thu hoạch người dân có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc và ủ làm phân bón cho cây trồng tăng độ tơi xốp cho đất. Nhìn chung các mô hình chuyển giao khoa học- công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế và được người dân hưởng ứng học hỏi làm theo. “ Sau 3 tháng triển khai mô hình đạt kết quả rất là tốt, người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do cơ quan chuyên môn hướng dẫn đầu tư chăm sóc, rồi đầu tư thêm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh rất tốt, năng suất đạt 7 tấn/ha cao hơn so với mô hình đối chứng từ 1 đến 1,4 tấn/ha do đó thu nhập của bà con cũng được tăng thêm. Năm 2022 sẽ tiếp tục hỗ trợ trồng 5ha để nhân dân chuyển đổi đất trồng mì và các loại cây trồng kém năng suất sang trồng ngô nhằm mục đích thứ nhất là cải tạo đất bị bạc mầu, thứ hai là áp dụng các tiến bộ khoa học để thâm canh tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con”, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng NN và PTNT huyện Chư Sê cho biết thêm.
     Với những hiệu quả kinh tế cao mang lại từ mô hình trồng ngô lai CP511, hy vọng rằng trong thời gian tới mô hình này sẽ được bà con người đồng bào dân tộc thiểu số xã Ayun học tập áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thoát nghèo bền vững, góp phần góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng NTM của địa phương./.
                                                                                   Hoàng Viên

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang