CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Vệ sinh an toàn thực phẩm > Huyện Chư Sê xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi.

Huyện Chư Sê xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi.

26/09/2019

     Hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn huyện Chư Sê, cụ thể ổ dịch được phát hiện tại thị trấn Chư Sê, các xã Hbông, Iaglai, BarMaih, Dun. Theo đó, để chủ động ngăn chặn và phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi bà con nhân dân và các hộ chăn nuôi cần chú ý đến các triệu chứng của bệnh:
Lợn bị nhiễm DTLCP có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn mắc bệnh thường sốt cao, không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi lợn chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn


Phun hóa chất khử trùng chuồng trại.
Cách Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
1. Hiện nay bệnh DTLCP chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
2. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của đàn lợn nuôi, khi phát hiện các triệu chứng bất thường hoặc có các triệu chứng nghi bệnh DTLCP phải báo cáo ngay cơ quan thú y, chính quyền địa phương để được xử lý.
3. Bệnh DTLCP không lây sang người, do đó người vẫn sử dụng thịt và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn bình thường, tuy nhiên cần sử dụng thịt lợn và các sản phẩm của lợn có nguồn gốc được cơ quan thú y kiểm soát.
4.Người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như sử dụng con giống có nguồn gốc từ các cơ sở uy tín, cơ sở an toàn dịch bệnh; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng triệt để; hạn chế tối đa người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, chuồng trại...
5. Khi có kết quả xét nghiệm lợn bị bệnh DTLCP, cấm điều trị lợn bệnh, lập tức cách ly và thực hiện tiêu hủy lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn
Để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN&PTNT Gia Lai khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 KHÔNG”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đối với hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại: Thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; mua con giống rõ nguồn gốc. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin tiêm phòng; báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân./.
                                                                                       Mỹ Đức

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang