CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > CHƯ SÊ – CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRỒNG NGÔ SINH KHỐI CHUYỂN ĐỔI TRÊN ĐẤT LÚA BỊ HẠN, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT T

CHƯ SÊ – CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRỒNG NGÔ SINH KHỐI CHUYỂN ĐỔI TRÊN ĐẤT LÚA BỊ HẠN, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI

11/03/2022

     Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng làm nhiều diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn huyện bị thiệt hại; gây tổn thất lớn cho người nông dân. Vì vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp mà nhiều nông dân tại địa phương lựa chọn để giảm thiệt hại cho sản xuất trước tình hình hạn hán, thiếu nước. Một trong những cây trồng mà huyện đã và đang giúp người dân chuyển đổi trên đất lúa bị hạn vụ Đông Xuân là cây ngô sinh khối.
     Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ (trâu, bò sữa). Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các gia súc ăn cỏ tại nước ta, một số đơn vị khoa học và doanh nghiệp cũng đã có các nghiên cứu ban đầu về cơ cấu thức ăn thô xanh phù hợp dành cho gia súc. Theo nghiên cứu của Bộ môn Cây thức ăn chăn nuôi (Viện Nghiên cứu Ngô) phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống Việt (VietSeed) thực hiện mới đây đối với nhiều loại cây thức ăn cho gia súc ăn cỏ cho thấy, ngô sinh khối là thức ăn thô xanh có chất lượng hàng đầu. Ngô cũng được đánh giá là có nhiều ưu điểm so với các loại cỏ khác như năng suất khá cao, có thể trồng bằng hạt trên diện tích lớn, chi phí trồng trung bình, dinh dưỡng tốt, rất dễ tiêu, ngon miệng.... Với điều kiện thiếu nguồn thức ăn bổ sung thì trồng ngô sinh khối sẽ đáp ứng được các nhu cầu đang thiếu hụt hiện nay cho các trang trại chăn nuôi.
     Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện nay đã nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa ngô sinh khối vào canh tác và thu lợi nhuận cao so như huyện Ia Pal, huyện Chư Prông huyện Kông Chro. Đối với địa bàn huyện Chư Sê, ngô là loại cây đã phổ biến ở địa phương nên quen thuộc, thích hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, đang được nhiều doanh nghiệp và HTX liên kết tiêu thụ. Việc thu hoạch ngay từ khi cây còn non giúp thời vụ của ngô sinh khối ngắn hơn, qua đó giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, thuận lợi cho việc bố trí thời vụ. Kỹ thuật trồng cơ bản áp dụng quy trình trồng ngô lấy hạt nên người dân dễ dàng thực hiện.
     Từ Hội nghị đầu bờ học tập kinh nghiệm trồng Ngô sinh khối tại huyện Ia Pa; huyện đã triển khai thành công hai chương trình hỗ trợ chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng ngô sinh khối trong vụ Đông xuân 2020-2021 và 2021-2022 với tổng diện tích 35,35 ha; 182 hộ tham gia. Từ sự thành công của vụ Đông xuân 2020-2021; vụ Đông xuân 2021-2022, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân triển khai 16,35 ha trồng ngô sinh khối chuyển đổi trên đất lúa bị hạn tại xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Ngân sách huyện hỗ trợ giống 70% kinh phí mua giống; còn lại 30% giống và toàn bộ phân bón do HTX Tinh dầu Bạc hà Tây - Bắc Gia Lai cấp ứng trước cho các hộ dân (hộ dân ghi nợ và sẽ trả khi thu hoạch sản phẩm).
     Sau hơn 3 tháng trồng, hiện nay ngô đang bắt đầu cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 50 tấn/ha. HTX liên kết thu mua toàn bộ sản phẩm vụ Đông Xuân 2021-2022 với giá 850 đồng/kg, doanh thu đạt được/ha là trên 42 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư/ha khoảng 15 triệu đồng (chi phí hạt giống, phân bón bên liên hiệp cung ứng, các loại phân bón hộ dân bổ sung, cày, công trỉa, bón phân và chi phí khác); tổng lợi nhuận thu được bình quân thu được hơn 27 triệu đồng/ha chỉ sau hơn 3 tháng sản xuất. So với trồng lúa vụ Đông Xuân bị hạn làm giảm năng suất, sản lượng ở các vùng này từ 70% - mất trắng; năng suất trung bình/ha chỉ còn 30% đạt được khoảng gần 2.000 tấn; doanh thu đạt được/ha chỉ còn gần 11 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư hơn người dân không còn lãi, chưa kể nếu mất trắng thì sẽ mất hoàn toàn chi phí đầu tư.
     Ngày 8/3 vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Tinh dầu Bạc hà Tây - Bắc Gia Lai phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức Hội thảo đầu bờ tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng Ngô sinh khối tại xã Bờ Ngoong để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhân rộng mô hình trồng ngô sinh khối chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn vụ Đông Xuân 2021-2022. Tham dự có đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh; các HTX có nhu cầu sản xuất, liên kết tiêu thụ trên địa bàn, các phòng ban chuyên môn ở huyện cùng các hộ dân có nhu cầu học hỏi, tham quan, trao đổi kinh nghiệm về trồng ngô sinh khối. Tại hội thảo, các hộ dân đã được cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trồng ngô sinh khối giúp bà con nông dân học tập, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng thiếu nước, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân.


Hội thảo đầu bờ tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng Ngô sinh khối
tại xã Bờ Ngoong
Sau khi thu hoạch, toàn bộ cây ngô thường được băm/xay nhỏ để cho gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến sâu hơn như ủ chua, viên nén hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ.
 

Thu hoạch ngô sinh khối tại xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê
vụ Đông Xuân 2021-2022
     Thành công của các chương trình đã giúp chuyển đổi cây trồng ở vùng đất lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn, giúp tiết kiệm nước, nâng cao thu nhập; thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào thực tế sản xuất; nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; bước đầu liên kết được với HTX, Doanh nghiệp thu mua để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, bền vững; đa dạng hóa nguồn thu nhập nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực vào mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào và đa dạng cung ứng cho thị trường; chưa kể còn giúp cải thiện nguồn dinh dưỡng trong đất, nâng cao độ phì nhiêu, giảm ô nhiễm môi trường sống, tiết kiệm được nguổn nước tưới.
     Đề cập đến tiềm năng của cây ngô sinh khối, theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, trong chiến lược phát triển chăn nuôi của Việt Nam, chăn nuôi đại gia súc luôn được ưu tiên, sản phẩm sữa của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước. Dự báo, đàn bò sữa, đàn đại gia súc trong thời gian tới sẽ còn tăng, nhu cầu thức ăn thô xanh cho vật nuôi sẽ rất lớn. Do đó, việc liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi trồng ngô sinh khối không chỉ giúp tạo thu nhập ổn định cho nông dân, còn hình thành mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, đưa sản phẩm của ngành trồng trọt trở thành đầu vào của ngành chăn nuôi.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang