CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Hiệu quả từ mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết tại xã Barmaih

Hiệu quả từ mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết tại xã Barmaih

01/10/2019

     Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê vừa tổ chức hội thảo “tổng kết  cuối vụ mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết” tại cánh đồng làng Phăm Klăh, xã Barmaih. Dự lễ tổng kết có đại diện phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, lãnh đạo UBND xã Barmaih, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn xã. 


Tổng quan tổng kết  cuối vụ mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết. Ảnh: T.P
     Mô hình lúa liên kết là mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, chất lượng tập trung cao, làm nền tảng để sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, từng bước ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo sạ, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, kiến thức, kỹ năng quan sát và quản lý đồng ruộng, sử dụng giống mới chất lượng cao, quản lý nước, phân bón, cỏ dại và sâu bệnh  một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
     Đánh giá kết quả triển khai mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết, Ông Lê Sĩ Quý – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp  huyện cho biết: “Để giúp cho bà con ĐBDTTS chuyển đổi được mô hình giống lúa mới cũng như biện pháp canh tác  thực hiện cánh đồng lúa liên kết, được sự quan tâm UBND huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với hai xã Bờ Ngoong và Barmaih thực hiện mô hình cánh đồng lúa liên kết 20 ha, với 140 hộ tham gia, sau gần 4 tháng triển khai hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Về giống giảm được lượng giống từ 180 kg gieo xuống 120 kg, về năng suất tăng lên khoảng   7 tấn/ha, có hộ làm tốt đạt 10 tấn. Qua thực tế cánh đồng hôm nay hội thảo, bà con rất phấn khởi” 
     Mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết là một trong số chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2019. Với tình hình thực tế trước khi triển khai mô hình, xã Barmaih có diện tích lúa nước tương đối lớn so với các xã khác của huyện Chư Sê, với diện tích hơn 100 ha, người dân canh tác lúa nước đa số là người ĐBDTTS. Những năm qua do sử dụng giống lúa địa phương và kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, sử dụng giống cũ đã thoái hóa, chất lượng và năng suất dễ nhiễm sâu bệnh như bọ trĩ, rầy nâu, khô vằn, đạo ôn…; Lượng giống gieo sạ  từ 30 – 35 kg/sào dẫn đến năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, thời gian gieo sạ không đồng nhất  nên việc trồng lúa  nước còn chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trong huyện nói chung và xã Barmaih nói riêng.
     Mô hình lúa liên kết được Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Barmaih tổ chức thực hiện tại làng Phăm Klăh đã đem lại một số hiệu quả tích cực, thiết thực với địa phương. Ông Siu Bếp – Phó Chủ tịch UBND xã Barmaih cho biết: “Qua tổ chức trồng lúa theo tôi thấy lúa năm nay là tốt hơn, lúa  thu hoạch cao hơn so với các dòng cũ nên mong trong thời gian tới Nhà nước hỗ trợ thêm, nhân rộng các ruộng khác trên địa bàn xã, giúp cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”
Tại xã Barmaih mô hình cánh đồng lúa liên kết với sự tham gia của 71 hộ, tổng diện tích 10 ha; sau 3,5 tháng thực hiện đã cho thu hoạch giống lúa dẻo, thơm, cơm ngon, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ ha; trừ chi phí sản xuất thì lợi nhuận ước tính đạt gần 220 triệu / mô hình/ 10ha. Ông Siu Klôm – một người dân tại làng Phăm Klăh tham gia mô hình cho biết: “Được hỗ trợ về kỹ thuật: giống, cách chăm sóc, bón phân, qua cách canh tác làm vụ vừa rồi, tôi thấy năng suất so với các dòng lúa khác.  Với cánh đồng lúa Đài 8 so với kế hoạch gieo là lúa này đạt hiệu quả, năng suất cao. Theo tôi để đạt hiệu quả cao thêm sau này phải chọn giống tốt, phải làm đúng thời gian, năm nay giống cũng tốt nhưng thời gian do đúng vụ lúa trổ bông thì gặp mưa, nắng gió nên kết quả bị ảnh hưởng”.
 
           
Bà con đang thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa liên kết
     Một mùa màng bội thu đang hòa chung niềm phấn khởi và vui mừng của bà con dân làng khi đến dự lễ tổng kết, anh Siu Noah – một nông dân tại làng Phăm Klăh chia sẻ: “Qua mô hình này, gia đình tôi thu hoạch đạt hơn năm ngoái do giống tốt hơn; trong thời gian tới mong muốn Đảng, Nhà nước và chương trình này tiếp tục mở rộng thêm để bà con phát triển kinh tế đạt hiệu quả hơn”.
     Thực hiện “mô hình kỹ thuật nhân rộng cánh đồng lúa liên kết” hiệu quả không những tăng năng suất thu hoạch, giúp bà con ổn định cuộc sống, mà còn từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân, hướng đến một nền sản xuất tập trung, bà con nông dân quen dần với hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nhằm phát triển bền vững ./.
                  Trúc Phùng

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang