CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > KHỞI SẮC LÚA 02 VỤ TẠI LÀNG VƠNG CHÉP XÃ AYUN

KHỞI SẮC LÚA 02 VỤ TẠI LÀNG VƠNG CHÉP XÃ AYUN

08/05/2020

     Người dân xã Ayun chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97%, số hộ nghèo là 239 hộ, chiếm tỷ lệ gần 27%. Toàn xã có 06/06 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn, với 888 hộ và 3.795 khẩu (2019).Trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân ở xã còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tổng diện tích gieo trồng toàn xã là 1.890 ha, nhưng hầu hết không chủ động được nước tưới nên chỉ gieo trồng được một vụ, mùa khô phải bỏ hoang đất vì thiếu nước tưới, năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất thấp. Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm sâu sắc, đẩy mạnh thực hiện các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân tại xã


 
Lúa trong giai đoạn đẻ nhánh tại cánh đồng làng Vơng Chép
     Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại xã Ayun, huyện Chư Sê năm 2017 về việc giao các bộ, ngành liên quan thúc đẩy để công trình Thủy lợi Plei Keo sớm được triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Ayun phát triển đi lên, năm 2018 công trình thủy lợi Plei Keo được khởi công xây tổng vốn đầu tư 116 tỷ đồng (trong đó: Vốn Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, vốn địa phương 16 tỷ đồng) đến nay đã hoàn thành cấp nước tưới tự chảy cho một số cánh đồng trồng lúa trên địa bàn xã Ayun.
 
 
Công trình thủy lợi Plei keo đang trong giai đoạn thi công
     Đối với các cánh đồng được công trình thủy lợi Plei Keo cung cấp nước trong vụ Đông xuân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã phối hợp với hệ thống chính trị xã Ayun thực hiện gieo trồng thí điểm 04ha lúa nước trên cánh đồng làng Vơng-Chép; cử cán bộ xuống tận ruộng để hướng dẫn trực tiếp cho hộ dân từ các khâu như làm đất, ngâm ủ hạt giống, sử dụng giống lúa mới để thay đổi cơ cấu giống lúa cũ ở địa phương, giảm số lượng giống gieo sạ và tuyên truyền cho các hộ dân lân cận học tập, làm theo góp phần tăng nguồn lương thực tại chỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã.
 
 
Lúa trổ bông tại Cánh đồng làng Vơng Chép
     Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% các loại vật tư gồm hạt giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với sự quyết tâm cao độ trong việc thay đổi canh tác sản xuất lúa nước 02 vụ/năm nên các hộ dân đã hưởng ứng nhiệt tình, đối ứng công lao động trong việc làm đất, thực hiện gieo trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn, làm hàng rào chắn gia súc thả rông cắn phá. Sau hơn 3 tháng trồng đến nay diện tích thực hiện mô hình đã trổ đồng loạt, năng suất dự kiến đạt khá khoảng 6-6,5 tạ/sào. Thông qua mô hình giúp các hộ dân nắm bắt được kỹ thuật canh tác lúa áp dụng các tiến bộ tiên tiến vào sản xuất như giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 120 kg/ha, giảm được chi phí thuốc BVTV, phân bón và công lao động đồng thời tăng năng suất.
     Ông Kpuih PLơk một trong các hộ tham gia mô hình chia sẻ: từ trước đến nay các hộ dân trồng lúa ở nơi đây chỉ trồng được 01 vụ/năm, toàn trồng giống tự để lại, lúa có thời gian sinh trưởng kéo dài khoảng 06 tháng, năng suất thấp. Tập quán canh tác lúa tại địa phương của bà con quen với việc chọc trỉa gieo lúa đón mưa, không chú trọng đến việc bón phân nên lúa phát triển kém, trổ bông ít, năng suất không cao khoảng 3-4 tạ/sào. Từ khi được nhà nước xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo cung cấp nước tưới cho cánh đồng làng và được cán bộ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, bón phân lúa vụ Đông Xuân, bà con thực hiện theo thì đến nay cây lúa đã trổ bông, dự kiến năng suất sẽ cao hơn so với các vụ lúa của bà con trước đây, thời gian sinh trưởng phát triển của cây lúa ngắn hơn, cây khỏe, ít sâu bệnh hại. Bà con rất khấn khởi mong rằng trong thời gian tới nhà nước quan tâm đầu tư thực hiện mô hình nhiều hơn để áp dụng vào sản xuất, ổn định nguồn lương thực cho gia đình.
 
Các hộ dân làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa
     Để các hộ dân tiến tới thực hiện 02 vụ lúa trong năm, đảm bảo lương thực tại chỗ, tăng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho người trồng lúa tại xã, địa phương cần đảm bảo có tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ thì Cấp ủy, chính quyền cán bộ và toàn thể nhân dân xã A Yun cần nỗ lực phấn đấu, quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác thủy lợi, xem nhiệm vụ nạo vét kênh mương, điều tiết nguồn nước tưới hợp lý là công tác thường xuyên hàng năm, nhằm tiết kiệm nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra, kiên cố hóa hệ thống kênh tưới, xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng nhu cầu nước tưới ít hơn, để chủ động về nước tưới, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã và đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi.
     Mong rằng với sự vận hành của công trình thủy lợi Plei Keo, sự nỗ lực của các hộ dân sẽ làm cho các cánh đồng của người dân nơi đây không còn là những thửa ruộng khô cằn, mà màu xanh của cây trồng được sinh sôi nảy nở, đem đến một sức sống mới, hy vọng mới cho vùng quê nghèo.
                                                                                        Thuy Huynh

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang