CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển > Chuyển biến từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại huyện Chư Sê.

Chuyển biến từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại huyện Chư Sê.

11/12/2021

     Hơn 20 năm qua (2000-2021), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện Chư Sê. Phong trào đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
      Bám sát các nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH và thực tiễn địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Chư Sê đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và nội dung của phong trào đến mọi tầng lớp nhân dân. Thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền. Từ đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị và nhân dân về phong trào TDĐKXDĐSVH và các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào văn hóa, văn nghệ…


Đoàn nghệ nhân Chư Sê tham gia Festival Cồng chiêng Gia Lai năm 2018.  Ảnh: Đ.N
     Đối với phong trào đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, sau nhiều năm triển khai đã phát triển sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực. Các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; xây dựng và thực hiện mô hình liên kết sản xuất. Phát động nhiều phong trào thi đua, như phong trào thi đua sản xuất giỏi, hỗ trợ vay vốn cùng nhau phát triển kinh tế.
       Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa được xem là nội dung trọng tâm và thường xuyên được huyện quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 124/126 thôn, làng, TDP được công nhận đơn vị văn hóa, đạt 98%; duy trì tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa trên 87%; 11/14 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 78,5%; 127/128 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm 99,21%; 100% thôn, làng, TDP xây dựng và thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước. Từ phong trào này, nhiều cá nhân, gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện đã trở thành gương điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ và hạnh phúc.
 

Đồng chí Bí thư Huyện ủy tặng bức trướng cho Nhân dân và cán bộ xã Ia Tiêm đạt chuẩn NTM.
 
     Cùng với xây dựng gia đình văn hóa, việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được huyện quan tâm thực hiện. Theo đó, các địa phương đã xóa bỏ các hủ tục, bước đầu hình thành nhiều phong tục tập quán mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cụ thể, các đám cưới không tổ chức ăn uống dài ngày. Đám tang không để quá 24 giờ… Lễ hội truyền thống được tổ chức đúng quy định, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Có được kết quả đó, là nhờ các địa phương đã chủ động xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với tình hình thực tế; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội tới từng thôn, làng, từng hộ gia đình để nhân dân biết và thực hiện.
       Để tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho người dân, huyện đã vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Đồng thời, quan tâm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn huyện có 13 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 46 sân bóng đá, 128 sân bóng chuyền tại các trung tâm các xã, thôn, làng, tổ dân phố, trụ sở làm việc của UBND xã, cơ quan nhà nước... Các thiết chế được khai thác, phát huy hiệu quả, khi trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, hưởng thụ các giá trị văn hóa và luyện tập thể dục - thể thao của nhân dân.
      Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân huyện Chư Sê. Để phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phong trào TDĐKXDĐSVH. Huy động nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế. Tăng cường huy động nguồn xã hội hóa hoàn thiện các thiết chế và tổ chức các hoạt động, phát huy hiệu quả công năng của các thiết chế văn hóa, thể thao. Thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức triển khai nhằm đáp ứng tình hình thực tế và nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân ở từng khu dân cư./.
                                                                                      Hoài An

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang