CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển > HUYỆN CHƯ SÊ: CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI GẮN VỚI HÌNH THÀNH CHUỖI LIÊN

HUYỆN CHƯ SÊ: CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI GẮN VỚI HÌNH THÀNH CHUỖI LIÊN KẾT VÀ CHƯƠNG TRÌNH OCOP

01/04/2021

     Chư Sê có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên gần đây thời tiết thất thường, có năm nắng hạn kéo dài, có năm mưa đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ. Bên cạnh đó giá cả các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu… xuống thấp. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện và diễn biến phức tạp. Trước những khó khăn, thách thức đó, huyện Chư Sê đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng; phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi. Đồng thời, chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi để chỉ đạo sản xuất, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
     Với đặc điểm tài nguyên đất: tầng dày chiếm 38,2%, tầng trung bình 50,2% và tầng mỏng chỉ chiếm 11,6% diện tích huyện. Quỹ đất Bazan rất lớn chiếm 58,6% diện tích toàn huyện. Loại đất này có tầng dày, màu mỡ rất thích hợp với cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, cây lương thực và cây ăn quả. Ngoài ra, loại đất Fa chiếm 30,3%, có tầng đất từ trung bình đến dày, khá màu mỡ, rất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày. Chính điều kiện thổ nhưỡng đa dạng này tạo cơ hội thuận lợi cho việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.
     Trong giai đoạn 2015- 2020, huyện Chư Sê đã đạt được những thành tựu trong việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế của huyện. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cho các cây trồng, như: lúa ngô rau củ quả… nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển công nghệ hiện đại sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Cụ thể đã hình thành các chuỗi liên kết điển hình là chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring. Chuỗi liên kết này gồm 60 hộ tham gia với diện tích 60 ha, được được hình thành trên lợi nhuận thu lại hết sức khả quan của việc triển khai trồng khảo nghiệm 05 ha từ năm 2013. Ông Nguyễn Văn Khả, trú tại thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm cho biết: “Được sự quan tâm của đảng, chính quyền các cấp, năm 2013 gia đình tôi đã được hỗ trợ 120 cây giống mắc ca để trồng xen vào 01 ha cà phê. Đến nay vườn cây đã bước vào kinh doanh năm thứ 3 mang lại hiệu quả rất đáng mừng. Năm vừa rồi, tôi thu được 2 tấn hạt với giá bán ra là 80.000đ/kg, gia đình tôi thu về 160.000.000đ. Trừ tiền công và chi phí đầu tư rất thấp khoảng 3.000.000đ thì lợi nhuận được khoảng 157.000.000đ/năm”. Cây mắc ca được xem như là một loại cây có tiềm năng kinh tế lớn và giá trị sinh thái cho môi trường. Về bản chất mắc ca là cây rừng, vì vậy trồng cây mắc ca chính là trồng rừng, góp phần tăng độ che phủ cho đất. Cây mắc ca có tác dụng chắn gió, che bóng cho cây cà phê, cải thiện môi trường đất. Đặc biệt vùng trồng mắc ca lại nằm sát phía đông thượng nguồn của hồ thủy lợi Ia Ring góp phần chống xói mòn và giữ được tầng nước ngầm cho hồ Ia Ring. Chuỗi liên kết hình thành còn góp phần làm tăng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin liên quan đến nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, đầu ra,.. cho sản phẩm của người dân thông qua các hoạt động kết nối với công ty liên kết. 


Hình: Ông Nguyễn Văn Khả, xã Ia Tiêm bên vườn cây Mắc ca đang ra hoa của gia đình
     Với mục tiêu chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày có nhu cầu sử dụng nước ít hơn, huyện Chư Sê đã liên kết với liên minh HTX Tinh dầu bạc hà Tây- Bắc Gia Lai để thực hiện chuyển đổi trồng ngô sinh khối trong vụ Đông xuân 2020 -2021 xã Bờ Ngoong, Bar Maih, Al Bă với tổng diện tích thực hiện 19 ha. Sau 3,5 tháng thực hiện, ngày 18/3/2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê đã phối hợp  với UBND xã Bờ Ngoong tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai Phương án hỗ trợ chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng ngô sinh khối vụ Đông Xuân 2020-2021 tại cánh đồng làng Amo, xã Bờ Ngoong. Theo đánh giá sơ bộ thì năng suất sinh khối bình quân đạt 55tấn/ha. Tổng chi phí đầu tư 01 ha: 16.787.000 đồng (chi phí hạt giống, các loại phân bón, thuốc BVTV) với giá bán tại ruộng 40.700.000 đồng/ha. Trừ chi phí đầu tư, mỗi ha thu về lợi nhuận là: 23.913.000 đồng. So với trồng lúa vụ Đông Xuân bị hạn làm giảm năng suất, sản lượng ở các vùng này từ 70% - mất trắng: Doanh thu/ha: 10.725.000 đồng. Chi phí đầu tư/ha: 11.657.000 đồng (chi phí giống và các loại phân bón, thuốc BVTV). Hiệu quả kinh tế/ha: 10.725.000 đồng - 11.657.000 = - 932.000 đồng.  Như vậy việc liên kết với các hợp tác xã để thực hiện chuyển đổi là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn trong điều kiện khí hậu hiện nay. Theo đánh giá của chính quyền cấp cơ sở thì phương án hỗ trợ chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng ngô sinh khối vụ Đông Xuân 2020-2021 đã bước đầu tạo dựng được chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối, tạo được lòng tin cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho nhân dân địa phương mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế thiệt hại do nắng hạn gây ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
 
 
Hình: Đối lập giữa chuyển đổi, không chuyển đổi trên chân ruộng đang bị hạn tại xã Bờ Ngoong (T H)
     Bên cạnh các chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca, ngô sinh khối, trên địa bàn huyện còn có các chuỗi liên kết: chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu trên địa bàn xã Al Bă, xã Ia H’lốp, xã Ia Tiêm. Diện tích thực hiện 12,8 ha cây cà gai leo với 11 hộ dân tham gia; 3,4 ha hà thủ ô với 05 hộ dân tham gia; Trồng thâm canh cây sầu riêng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Ia Blang. Diện tích thực hiện 15 ha với 50 hộ dân; Vùng liên kết trồng dâu, nuôi tằm công nghệ cao trên địa bàn các xã Al Bă, Chư Pơng, Dun, HBông, Ia Glai và Ia H’lốp với diện tích 50ha liên kết với Công ty Cổ phần dâu tằm tơ Mang Yang trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm từ cây đinh lăng và chanh dây trên địa bàn xã Chư Pơng; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhãn Hương Chi theo chuỗi giá trị do HTX Trường Xuân làm chủ đầu tư…
     Ngoài việc hình thành chuỗi liên kết thì huyện Chư Sê cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn… Trong năm 2020, đã đạt được những kết quả khả quan: Số lượng sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP là 06 sản phẩm, gồm có: Tiêu trắng hạt An Thắng, Hạt mắc ca Đất Việt, Hạt Sachi rang sấy, Nhân Sachi rang sấy, Dầu Sachi nguyên chất và Hạt Mắc ca rang sấy của 03 chủ thể: Công ty TNHH MTV AN Thắng Gia Lai, Công ty TNHH Song Long Gia Lai, HTX Nông lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê; trong đó có 03 sản phẩm đạt 03 sao: Dầu Sachi nguyên chất, Tiêu trắng hạt An Thắng, Hạt mắc ca Đất Việt.
  

Hình: HTX Nông lâm nghiệp Hoài Trương tham gia Hội chợ OCOP Gia Lai (ST)
      Cùng với trồng trọt, cơ cấu vật nuôi cũng được tập trung chuyển đổi. Từ cuối năm 2019 đến nay, trước diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tình hình giá thịt lợn biến động thường xuyên. Người dân trên địa bàn huyện có tâm lý e ngại và thận trọng hơn trong việc tái đàn, tăng đàn chăn nuôi. Công tác phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh.
      Điển hình là trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Hữu Phước xã Chư Pơng với quy mô 80 con lợn nái và gần 300 con lợn thịt, lãi thu về hơn 200 triệu đồng/tháng. Còn đối với trang trại nuôi dê của anh Trịnh Duy Tâm – Làng Kueng Xí nghiệp, xã H’Bông, anh Tâm cho biết: “Trang trại của tôi hiện có 300 đến 400 con dê. Tôi đang nuôi hiệu quả với mô hình thúc thịt vỗ béo. Và hướng là nuôi vỗ béo như các tỉnh miền Nam. Tôi đã thành lập Hợp tác xã để liên kết,  tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn. Tôi đi tìm đầu mối ở các tỉnh phía Nam để bán ra với số lượng lớn, đảm bảo thu nhập và không bị ép giá”.
      Bên cạnh đó một số dự án phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Phúc Huy với diện tích 14 ha, quy mô 12.000 lợn thịt/lứa; Dự án trang trại chăn nuôi vịt giống công nghệ cao của Công ty cổ phần giống công nghệ cao Gia Lai ViNa với diện tích 4,5 ha, quy mô 19.000 con/lứa; Mô hình nuôi heo hữu cơ vi sinh (đệm lót sinh học, nuôi trùn quế sản xuất phân bón hữu cơ) liên kết với Công ty TNHH một thành viên Quế Lâm Tây Nguyên. …
       Một số dự án trồng trọt đang và sẽ tiếp tục triển khai: Trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm dược liệu liên kết với HTX nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh…
       Trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Chư Sê lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu ra: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó phát triển cây dược liệu là chiến lược chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực của huyện theo hướng thâm canh gắn với chế biến. Tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khuyến khích hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn. Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, hy vọng ngành nông nghiệp huyện nhà sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ trong nữa đầu thập niên mới./.
Uyên Ny

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang