Thông tin tuyên truyền > Phổ biến giáo dục pháp luật > Huyện Chư Sê: 15 năm thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS

Huyện Chư Sê: 15 năm thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS

15/05/2020

    Thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, 15 năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nhận thức của Nhân dân về trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay. Đạt được những hiệu quả nhất định:
     Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Chư Sê, tham mưu cho UBND huyện về chỉ đạo và điều hành trong phòng, chống HIV/AIDS. 15/15 xã, thị trấn đều thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn cấp mình quản lý. Khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế huyện,  có 01 cán bộ được phân công phụ trách, hoạt động ổn định và thực hiện chức năng tham mưu cho Giám đốc Trung tâm Y tế và UBND huyện về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn huyện;
57.png
Quang cảnh của 01 buổi lễ phát động
     Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhân dân: các hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp được duy trì và triển khai thực hiện thường xuyên, đặc biệt, trong các tháng cao điểm như: Ngày thế giới phòng chống ma tuý (26/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12), Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (01/6 đến 30/6) ... các hoạt động truyền thông được tổ chức sôi nổi, phong phú thu hút được sự quan tâm của người dân tại cộng đồng. Treo băng rôn: 570, Tờ gấp: 24.596 tờ, Tranh: 2.290, CD: 30, DVD: 2.268, áp phích: 2.760, sách mỏng: 4.893, diễu hành: 240, xe tuyên truyền lưu động: 90, phát thanh trên loa đài tuyến huyện: 75 lần, tuyến xã 1.560 lần; truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng;... thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, phát thanh- truyền hình, trên website, tọa đàm, trao đổi… đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS. Riêng Ngành y tế tổ chức truyền thông tại Trạm Y tế các xã, thị trấn hơn 1.900 lượt, với trên 174.000 lượt người; Tổ chức lễ Mít ting, diễu hành quần chúng tại Trung tâm huyện, 15 xã, thị trấn hằng năm với hơn 60.000 lượt người tham gia. Riêng năm 2014, huyện Chư Sê được UBND tỉnh và Ban quản lý dự án nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tỉnh Gia Lai chọn tổ chức lễ phát động điểm của tỉnh với hơn 1.045 người tham dự).
     Trong nhà trường, tổ chức nói chuyện dưới cờ, ngoại khóa, tham gia diễu hành, nói chuyện chuyên đề, tư vấn kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và sự nguy hại của tệ nạn ma tuý; lồng ghép chương trình trong nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên để trang bị kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, học viên học nghề.
58.png
Treo băng rôn tuyên truyền tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
     Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cũng được lồng ghép thường xuyên vào các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở từng thôn, làng, tổ dân phố đã từng bước tạo ra lối sống tốt đẹp cho cá nhân, gia đình; làm cho quan hệ họ hàng, láng giềng, giữa người với người gắn bó tốt hơn; phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tác hại của ma tuý, mại dâm trong việc lây truyền HIV/AIDS và cách phòng, tránh. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai có kết quả; tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS được cán bộ, công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức và tạo ra phong trào rộng lớn phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
     Cán bộ phụ trách và các cộng tác viên ở các xã, thị trấn đã thường xuyên tiếp cận các khách sạn, nhà trọ, quán karaoke, nhà hàng, điểm massage và các dịch vụ hành nghề tiềm ẩn khả năng làm lây nhiễm HIV để tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Quán triệt pháp luật liên quan đối với các chủ cơ sở kinh doanh, qua đó ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước, không vi phạm về ma tuý, mại dâm.
Các ban ngành phối hợp với UBMTTQVN huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động huyện, Huyện đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức lồng ghép cho cán bộ, hội viên về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người và tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Tổ chức tuyên truyền, truyền thông phòng chống tội phạm cán bộ, hội viên và nhân dân.
     Việc quản lý, theo dõi các đối tượng nhiễm HIV/AIDS chặt chẽ hơn, Từ năm 2005 đến 2019, trên toàn huyện tổng số các trường hợp mắc lũy kế là 70, đang quản lý là 27 người, 43 trường hợp chết hoặc mất dấu. Toàn huyện có 07/15 xã, thị trấn có người bị nhiễm HIV, Thị trấn Chư Sê là nơi có số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện cao nhất (11 người), tiếp theo là IaBlang (7 người), IaPal (4 người), Al bá (2 người), Dun, Ia HLốp, Ia Tiêm (01 người); Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,022% dân số. Tỉ lệ nhiễm HIV theo đường lây truyền: đường máu: 51,9%; quan hệ tình dục: 33,3%; từ mẹ sang con: 3,7%; không rõ đường lây: 11,1%. Bình quân mỗi năm có 03 người bị nhiễm HIV, chủ yếu ở lứa tuổi 15-49 là 24 người (chiếm tỉ lệ từ 88,9%), trẻ em bị nhiễm từ mẹ là 03 (chiếm 11,1%), năm cao nhất là năm 2010 có 8 người, năm 2014 là không có trường hợp nào, trong đó, nam giới là chiếm tỉ lệ 70,4%, nữ giới chiếm tỷ lệ 29,6%. Nhóm đối tượng có nhiều người nhiễm HIV nhất là những người tiêm chích ma tuý (trên 48%). Hiện nay, 100% các đối tượng nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ rõ ràng được quản lý chặt chẽ trên địa bàn huyện.
 Công tác xét nghiệm HIV đã được tiến hành khá bài bản và thường xuyên. Hằng năm trung bình Trung tâm Y tế huyện tổ chức tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm cho: bà mẹ mang thai đạt 77 lượt; bà mẹ chuyển dạ đạt 180 lượt; nhóm nghiện ma túy trên 24 lượt, các đối tượng có nguy cơ 100 lượt và đối tượng khác 30 lượt.
      Công tác an toàn truyền máu cũng đã được triển khai thực hiện khá tốt, tỷ lệ các đơn vị máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, hiến máu tình nguyện tăng lên qua từng năm. Từ năm 2005 đến nay, 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu đã được thực hiện sàng lọc.
     Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại như Một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chưa đề ra được các biện pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn ma tuý, mại dâm; công tác quản lý kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phòng, chống HIV/AIDS chưa được thường xuyên, kịp thời. Vai trò của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp nhất là cấp xã chưa được phát huy mạnh mẽ. Việc thực hiện các giải pháp liên ngành và huy động cộng đồng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa toàn diện, kết quả còn hạn chế. Việc lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và việc quan tâm, dành thời gian, điều kiện cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa nhiều.
- Hoạt động phối hợp chỉ đạo, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống AIDS và ma tuý, mại dâm giữa các ngành chưa được thường xuyên, sâu rộng; mới chỉ tập trung chủ yếu ở trung tâm huyện, trong thời gian phát động chiến dịch, tháng hành động, ngày lễ, trong khi đó vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì vẫn còn hạn chế trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, quản lý chặt chẽ số người nhiễm HIV; chưa chú trọng đúng mức đến các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, đối tượng dễ bị lây nhiễm. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn phổ biến.
- Sự hỗ trợ xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng như chống kỳ thị, tạo công ăn việc làm chưa được quan tâm đúng mức; không có kinh phí dự phòng cho cán bộ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Ngoài chương trình mục tiêu y tế - dân số, hầu hết các đơn vị chưa chủ động bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác này.
- Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tại các xã, thị trấn,... hầu hết là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ.


      Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng chống HIV/AIDS đặc biệt thực hiện Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để ngăn chặn đại dịch AIDS và giảm thiểu các tệ nạn xã hội và các chương trình, kế hoạch liên quan của huyện; đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã tác động thay đổi kiến thức và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; thay đổi với hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng trong nhóm có nguy cơ cao; củng cố hệ thống tổ chức từ huyện đến xã, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh - trật tự, phòng, chống HIV/AIDS nhất là trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; gắn với công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tiếp tục làm tốt công tác quản lý, giáo dục cảm hoá các đối tượng vi phạm pháp luật; công tác tư vấn, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, công tác cai nghiện cho người nghiện ma tuý; bảo vệ môi trường sống... tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh từ mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình họ để người nhiễm HIV ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại nhà và cộng đồng; Nâng cao năng lực quản lý của ngành Y tế, thực hiện tốt hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện các cam kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện.
                                                                                                                                                                   Kim Oanh

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.