CHUYÊN MỤC

Tin tức > Pháp luật và Đời sống > Phát huy vai trò của hương ước trong quản lý thôn làng

Phát huy vai trò của hương ước trong quản lý thôn làng

14/03/2017

Nhiều thế kỷ qua, hương ước, quy ước được coi là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong phạm vi thôn, làng Việt Nam. Hương ước, quy ước đã, đang góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, vì vậy cần tiếp tục phát huy vai trò của nó. Từ Nghị quyết số 05-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 10/6/1993 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, hương ước, quy ước được thừa nhận trở lại và trở thành một công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn… 

Ảnh minh họa.
Triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 19/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Đảng ủy, chính quyền cơ sở tích cực phát động nhân dân, hệ thống chính trị thôn làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư, đảm bảo nội dung phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người dân Tây nguyên và các dân tộc khác cùng sinh sống.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 167/183 thôn làng, TDP xây dựng hương ước, chiếm tỷ lệ 91,3%; 16 thôn làng đang trong quá trình xây dựng để đề nghị phê duyệt.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện trong những năm qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế vẫn còn tình trạng hương ước, quy ước có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật, còn quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách khô khan. Việc xây dựng, thực hiện hương ước nhiều nơi còn hình thức, mang tính phong trào, thành tích… Vì vậy, để phát huy vai trò và yêu cầu duy trì hương ước, quy ước trong quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần rà soát, hoàn thiện nội dung và đẩy mạnh việc thực hiện hương ước, quy ước.
Cần gắn kết hương ước, quy ước với nhiều lĩnh vực khác
Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của cộng đồng dân cư, nội dung của hương ước tập trung và gắn kết với những lĩnh vực, vấn đề cụ thể sau đây:
- Đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp dân cư trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; động viên và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân;
- Bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xoá bỏ hủ tục…
- Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công cộng và tài sản công dân, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng, sông, hồ, danh lam thắng cảnh, đền chùa miếu mạo…
- Đề ra các biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội…
- Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư văn hoá, hình thành các quy tắc đạo đức mới trong gia đình và cộng đồng; khuyến khích mọi người đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau; vận động thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, xây dựng các gia đình theo tiêu chuẩn gia đình văn hoá;
- Xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, vận động các thành viên trong gia đình, họ tộc, xóm làng đoàn kết nhau để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, khuyến học, khuyến nghề ở địa phương…
- Đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè bê tha, trộm cắp, mại dâm và các hành vi khác vi phạm pháp luật nhằm xây dựng địa bàn trong sạch.
- Đề ra các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để đảm bảo thực hiện hương ước: Hương ước quy định các hình thức và biện pháp thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước như: lập sổ vàng truyền thống nêu gương người tốt, việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân.
Những hành vi vi phạm pháp luật phải do các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hương ước không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở nội dung và những vấn đề gắn kết với hương ước, cộng với từ thực tiễn triển khai thực hiện, thì việc cần sửa đổi, nâng cấp hương ước là rất cần thiết, hiệu quả của công tác tuyên truyền không thể đo đếm, vai trò của hương ước, quy ước trong cuộc sống ở thôn làng, nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là cực kỳ lớn vì nó gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân, “nếu tới đây, chúng ta gắn hương ước, quy ước với phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng thì giá trị của hương ước, quy ước sẽ ngày càng cao”.
Phạm Ngọc Hưng

 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang